Ngân hàng số, chiến lược kinh doanh quan trọng
Kinh tế - Ngày đăng : 06:37, 06/06/2020
Trong thời đại phát triển công nghệ số, các dịch vụ liên quan đến ngân hàng số chính là “thỏi nam châm” hút khách hàng. Người ta không còn quan tâm nhiều đến việc lựa chọn ngân hàng dựa trên quy mô vốn hay số lượng điểm giao dịch, mà tiêu chí đặt ra là dịch vụ ngân hàng số có thuận lợi không, phí dịch vụ được áp dụng thế nào. Đây cũng là lý do cho sự dịch chuyển khách hàng từ một số ngân hàng này sang ngân hàng khác.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thanh toán điện tử đang duy trì tăng trưởng tốt trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong dịch Covid-19. Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng về Mobile Banking (ngân hàng di động) là 200%, với khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày. Hiện Mobile Banking của Việt Nam không thua kém các nước phát triển trên thế giới. Để làm được điều đó, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng được hạ tầng thanh toán tốt và trong năm nay sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống này.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho biết: “Đối với hệ thống ngân hàng thông thường chỉ có 3 cấp độ để chuyển đổi số. Ở cấp độ 1, các ngân hàng có thể tiếp tục những gì đang làm. Còn cấp độ 2 là thành lập bộ phận riêng như trung tâm ngân hàng số, công ty ngân hàng số, đơn vị kinh doanh số trong ngân hàng. Cấp độ 3, các ngân hàng thực hiện số hóa một số bộ phận, quy trình, sản phẩm dịch vụ kinh doanh trong hoạt động. Tôi thấy rằng, hiện đa số các ngân hàng số hóa ở cấp độ 2, 3 cũng là cấp độ tương đối tích cực khi một số đã thành lập đơn vị riêng như Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) có LiveBank (ngân hàng tự động) chuyên cung cấp dịch vụ ngân hàng số, BIDV có trung tâm ngân hàng số, một số ngân hàng khác có chi nhánh thí điểm ngân hàng số…”.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho rằng, công thức cơ bản của lợi nhuận là đến từ tăng doanh thu và giảm chi phí. Chuyển đổi số chính là con đường để doanh nghiệp giảm chi phí và tạo cơ hội tăng doanh thu trong tương lai. Nhờ ứng dụng công nghệ mà nhiều giao dịch được rút ngắn chỉ bằng 1/3-1/4 thời gian so với quy trình truyền thống. Với việc triển khai dịch vụ ngân hàng LiveBank có thể thực hiện gần như đầy đủ các giao dịch như một chi nhánh truyền thống, đến nay hơn 2/3 số lượng giao dịch của ngân hàng thực hiện tại LiveBank, giúp tiết giảm một lượng lớn chi phí nhân sự, quản lý và giảm tối đa thời gian, tiền bạc cho khách hàng. Hiện TPBank đã có hơn 200 điểm LiveBank trên toàn quốc, khoảng 2 triệu lượt giao dịch thành công, tổng số tiền giao dịch đạt hàng nghìn tỷ đồng.
Theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), việc thực hiện số hóa là để cung cấp được tính năng mới, thay đổi hoàn toàn quan niệm kinh doanh truyền thống. Nền tảng của số hóa là nâng cao trải nghiệm khách hàng, cung ứng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu, xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp và đầu tư hạ tầng công nghệ tương thích...
Để thúc đẩy kinh tế số, ông Phạm Tiến Dũng cho rằng, ngân hàng cần sớm đưa những người sử dụng thông thường trở thành khách hàng của ngân hàng. Riêng trong mùa dịch Covid-19 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng quy định về mở tài khoản bằng phương pháp xác nhận điện tử, tạo điều kiện cho khách hàng mở tài khoản. Đặc biệt, các ngân hàng cần xây dựng được hệ sinh thái thông minh. Ngoài ra, chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số phải gắn với thúc đẩy tài chính toàn diện, cung ứng dịch vụ ngân hàng an toàn, thuận tiện với giá cả hợp lý cho người dân chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt người dân khu vực vùng sâu, vùng xa, cũng như chú trọng nâng cao hiểu biết, kỹ năng tài chính…