Ngoại thành Hà Nội tái diễn tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường

Công nghệ - Ngày đăng : 14:49, 07/06/2020

(HNMO) - Ngày 7-6, khi đi thực tế tại các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ, Đan Phượng, Đông Anh..., phóng viên Báo Hànộimới đều bắt gặp tình trạng người dân đốt rơm rạ trên đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa.

Các đống rơm lớn nhỏ được người nông dân gom lại rồi châm lửa đốt khiến khói cuộn tròn, bao trùm cả vùng rộng lớn.

Xen kẽ những ruộng lúa đang chắc hạt là những thửa ruộng cháy đen nhẻm, tàn tro vương vãi khắp mặt ruộng.

Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi nhận trong ngày 7-6:

Rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp do người dân ở xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) gom lại để đốt.

 Mặt ruộng cháy nham nhở trên cánh đồng của xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ).

Bà Nguyễn Thị Thìn ở xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ) cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đốt rơm rạ do hầu hết người dân không có nhu cầu sử dụng.

Người dân ở xã Canh Nậu (huyện Thạch Thất), gom rơm thành đống lớn đốt lấy tro.

Chị Nguyễn Thị Hường ở xã Canh Nậu (huyện Thạch Thất) thu gom tro sau khi đốt rơm rạ.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai) cho biết, vụ xuân năm nay, tình trạng đốt rơm rạ tuy giảm so với vụ trước, nhưng vẫn còn một số người dân thiếu ý thức, ra đồng đốt rơm vào sáng sớm và chiều tối. (Trong ảnh: Người dân ở huyện Quốc Oai đốt rơm sau khi thu hoạch lúa xuân).

 Khói rơm rạ ở ngoại thành bay đi rất xa, gây ra hiện tượng quang hóa, ảnh hưởng đến khu vực nội thành. (Trong ảnh: Người dân huyện Đông Anh đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa xuân 2020).

Nhiều người dân đề nghị chính quyền các địa phương khẩn trương vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân không đốt rơm rạ; đồng thời, hỗ trợ người dân ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ làm phân bón; giới thiệu các đơn vị trồng nấm thu mua..., nhằm giảm tình trạng đốt rơm rạ, hạn chế ô nhiễm môi trường...

Phóng viên Ban NN-NT