Nước ép trái cây ''hút'' người tiêu dùng ngày nóng
Xã hội - Ngày đăng : 08:37, 07/06/2020
Phong phú và tiện lợi
Quán nước quả Bà Nội (địa chỉ số 41 Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), vì không có chỗ ngồi nên chủ yếu phục vụ khách hàng mua đem đi. Quán chuyên ép nước quả từ trái cây tươi, không thêm đường nên được nhiều bạn trẻ và người dân sống quanh khu vực này ưa chuộng.
Chị Nguyễn Minh Trang (trú tại phố Ấu Triệu, quận Hoàn Kiếm) - khách hàng quen của quán cho biết, trái cây dùng ép nước ở đây tươi ngon, nên dù có giá khá cao, từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng mỗi cốc, tùy loại quả, nhưng chị vẫn ghé mua thường xuyên.
Nhanh nhạy nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, anh Nguyễn Đức Hùng (phố An Trạch, quận Đống Đa) vừa bán cam, vừa ép cam lấy nước, đóng chai sẵn để bán cho khách mang đi. Vì vậy, hằng ngày, xe cam của anh Hùng bán rất “chạy”. Khi được hỏi nước cam ép đóng chai có bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm hay không, anh Hùng cho biết: “Khách tự chọn cam tươi xong tôi mới ép nên bảo đảm tươi ngon, không có hóa chất”.
Trong khi đó, dạo một vòng trên các trang mạng xã hội, các loại nước ép cũng được bán rất phổ biến. Tại shop online “Nước ép trái cây - Quán Sứ” (quận Hoàn Kiếm), có cả một danh sách các loại nước trái cây tươi rất phong phú, như cà rốt, dứa, chanh leo, mận, dưa hấu, ổi, táo, cam…, đồng giá 30.000 đồng/cốc.
Shop online Royal Green cũng có đủ loại nước ép trái cây tươi ngon phục vụ khách hàng, với giá dao động 25.000 - 40.000 đồng/cốc.
Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm
Chị Lê Thanh Hòa (trú tại chung cư NO4 Hoàng Đạo Thúy, quận Cầu Giấy) chia sẻ, nước ép trái cây cung cấp nhiều dinh dưỡng, năng lượng, nên là đồ uống thông dụng với nhiều gia đình. Chị cũng thường mua nước ép trái cây đóng chai tại một số cửa hàng quen.
Tuy nhiên, theo chị Hòa, về vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người mua chủ yếu vẫn dựa vào niềm tin, vì thực tế không dễ để kiểm tra.
Qua quan sát, nguyên liệu trái cây, vỏ chai, người chế biến là những khâu đều có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Chẳng hạn, người mua có thể tự chọn trái cam tươi, nhưng việc gọt, ép lấy nước được thực hiện trên vỉa hè chưa hẳn đã bảo đảm vệ sinh.
Ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội nhận xét, thời gian qua, các cửa hàng nước ép trái cây “nở rộ” trên các tuyến phố, cũng như các trang mạng xã hội. Có nhiều cửa hàng đã xây dựng được uy tín, thương hiệu. Nhưng bên cạnh đó, cũng có không ít cửa hàng sử dụng các sản phẩm trái cây không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm, kinh doanh không có giấy phép về an toàn thực phẩm... Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các đội chủ động phối hợp các cơ quan chức năng trên địa bàn để kiểm tra các mặt hàng lương thực, thực phẩm, thực phẩm chế biến (trong đó có trái cây), nhằm ngăn chặn việc kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Cục Quản lý thị trường Hà Nội kêu gọi người dân cung cấp thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu vi phạm cho các cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý theo quy định.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội thông tin, Chi cục đã phối hợp các quận, huyện, thị xã tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đồ uống, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước giải khát quy mô nhỏ lẻ len lỏi trong các khu dân cư, từ đó kịp thời phát hiện, xử lý cơ sở vi phạm.
“Trong số 687 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính từ đầu năm 2020 do không bảo đảm an toàn thực phẩm, có cả cơ sở kinh doanh, sản xuất đồ uống đóng chai”, ông Trần Ngọc Tụ cho biết.
Khuyến cáo người tiêu dùng, nhiều chuyên gia đặt vấn đề, theo quy định, sản phẩm đồ uống phải có đầy đủ nhãn, mác ghi rõ thành phần, hạn sử dụng… và đặc biệt là đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng. Nếu chỉ mua qua sự tin tưởng thì sẽ khó quy được trách nhiệm nếu có vấn đề xảy ra. Vì thế, cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, đồng thời người tiêu dùng luôn nâng cao ý thức vẫn là giải pháp hiệu quả ngăn chặn đồ uống mất an toàn.