Nhập khẩu lợn sống góp phần bình ổn giá thịt lợn
Nông nghiệp - Ngày đăng : 16:35, 07/06/2020
Tăng nguồn cung thịt lợn
Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đây là lần đầu tiên Việt Nam cho phép nhập khẩu lợn sống chính ngạch với mục đích lấy thịt. Cục Thú y đã liên hệ với cơ quan thú y nhiều nước đề nghị cung cấp các tài liệu, thông tin cần thiết. Việc này góp phần làm tăng nguồn cung cho thị trường, giá thịt lợn chắc chắn sẽ giảm.
“Trước hết, lợn sống nhập khẩu về Việt Nam có thể từ Lào, Campuchia và Thái Lan bằng đường bộ. Dự kiến, tuần tới, khi Thái Lan cung cấp đủ tài liệu thì hai bên sẽ tổ chức họp trực tuyến để trao đổi về những vướng mắc, thu thập thêm thông tin nhằm thỏa thuận điều kiện vệ sinh thú y và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu lợn. Dự kiến trong tháng 6-2020 sẽ có chuyến lợn sống đầu tiên được nhập khẩu về Việt Nam…”, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y khẳng định.
Hiện tại, một số doanh nghiệp đang làm các thủ tục cần thiết để nhập khẩu lợn sống về trong nước. Ông Phạm Trần Sum, Giám đốc Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức cho biết, công ty đang làm các thủ tục để được cấp giấy phép nhập khẩu lợn sống và đề nghị đối tác liên hệ với Cục Thú y Thái Lan về thủ tục nhập khẩu lợn sống. Thực tế, công ty có hệ thống chuồng trại với sức chứa 20.000 con lợn, đáp ứng quy định cách ly và kiểm dịch thú y, bảo đảm an toàn cho chăn nuôi trong nước.
“Nếu có giấy phép nhập khẩu, thì sau 3-5 ngày, lợn sống từ Thái Lan sẽ nhập về Việt Nam cùng các biện pháp cách ly kiểm dịch theo quy định. Cụ thể, lợn sẽ từ cửa khẩu Thái Lan - Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) rồi chuyển về trại của Công ty tại Hà Tĩnh để cách ly 30 ngày trước khi đưa đi giết mổ”, ông Phạm Trần Sum nhấn mạnh.
Thịt lợn Thái Lan đang có giá tương đương 55.000 đồng/kg, nếu nhập khẩu về Việt Nam, giá bán sẽ thấp hơn thịt lợn trong nước. Ở góc độ của đơn vị tham gia giết mổ, theo ông Đào Quang Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín), hiện nay, do nguồn cung khan hiếm, giá thịt lợn hơi tại các trang trại cao nên trung bình mỗi ngày, công ty chỉ giết mổ 100 con - bằng 50% so với cùng kỳ năm 2019.
Nếu lợn sống được nhập khẩu từ các nước về Việt Nam, đáp ứng đủ điều kiện về kiểm dịch thú y, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chắc chắn giá sẽ rẻ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người kinh doanh; đồng thời, người tiêu dùng được sử dụng thịt lợn với giá hợp lý…
Về phía các đơn vị phân phối thực phẩm, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm an toàn Tâm Thanh, Nguyễn Thị Vân Anh cho biết, việc nhập khẩu lợn sống sẽ giúp cân đối nguồn cung - cầu thịt lợn trên thị trường, giúp bình ổn mặt hàng này. Đây cũng là cơ hội cho các nhà chế biến thịt lợn Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh…
Kiểm soát chặt chẽ nhằm hạn chế rủi ro
Theo một số ý kiến, việc nhập khẩu thịt lợn chắc chắn sẽ góp phần bình ổn giá thịt lợn, tuy nhiên, cần tính toán kỹ khi nhập khẩu lợn sống bởi yếu tố an toàn dịch bệnh. Ông Nguyễn Đình Tường, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) chỉ rõ: "Bệnh Dịch tả lợn châu Phi đang tái phát trở lại ở một số địa phương nên các ngành chức năng cần hết sức cẩn trọng; cần yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu bảo đảm nghiêm thời gian cách ly nhằm tránh lây mầm bệnh vào đàn vật nuôi trong nước".
Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho hay, Cục Thú y và các doanh nghiệp đang đánh giá rủi ro đối với việc nhập khẩu lợn sống về Việt Nam. Trong đó, xem xét quy định cách ly 30 ngày để theo dõi sức khỏe của lợn, đặc biệt là cần loại trừ các bệnh: Lở mồm long móng, bệnh Dịch tả lợn châu Phi, tai xanh... Việt Nam đang hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh với thời hạn cách ly 30 ngày là khá phù hợp. Lợn nhập khẩu vào Việt Nam phải bảo đảm khỏe mạnh, không gây nguy hiểm cho vật nuôi, không ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ NN&PTNT sẽ kiểm soát chặt chẽ số lượng và chất lượng lợn nhập khẩu sống từ nước ngoài về Việt Nam, không để xảy ra tình trạng nhập khẩu ồ ạt, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi lợn trong nước. Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc trong nước. Bộ sẽ phối hợp với cơ quan thú y các địa phương trong giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc cách ly đàn lợn, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định hiện hành.
Việc nhập khẩu lợn sống về Việt Nam thời điểm này là cần thiết để cân đối nguồn cung, góp phần bình ổn giá thịt lợn trên thị trường. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả như mong muốn, rất cần sự phối hợp thực hiện nghiêm túc từ các ngành chức năng, chính quyền địa phương về giám sát nguồn gốc xuất xứ, kiểm dịch thú y và cách ly đúng quy định.