Đường quê rác ứ - việc này ''xử'' sao?

Công nghệ - Ngày đăng : 06:41, 08/06/2020

(HNM) - Thời gian gần đây, tại một số huyện của Hà Nội, như: Mê Linh, Thạch Thất, Mỹ Đức, Thanh Oai, Thường Tín... xuất hiện tình trạng chậm thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt... dẫn tới tồn đọng, gây mất vệ sinh môi trường. Vì vậy, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa nhằm khắc phục triệt để tình trạng này, bảo đảm chất lượng sống của người dân; đồng thời quy rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm theo quy định.

Rác thải tồn đọng tại điểm tập kết rác xã Dị Nậu (huyện Thạch Thất), gây ô nhiễm môi trường.

Rác thải ùn ứ ở nhiều nơi

Dọc triền đê tả Hồng các xã: Tráng Việt, Mê Linh, Văn Khê (huyện Mê Linh) có tới hàng chục điểm tập kết rác tự phát. Bà Đỗ Thị Hà ở thôn Văn Quán, xã Văn Khê nói: “Những đống rác thải này đã tồn đọng nhiều ngày nay. Mỗi khi mưa, nước rỉ rác lênh láng khắp mặt đường, đọng vũng lớn, gây ô nhiễm môi trường”. Còn tại huyện Thạch Thất, ngày 3-6, ở 31 điểm tập kết trên địa bàn tồn đọng khoảng 1.000 tấn rác. “Rác thải ở đây thường lưu cữu 5-7 ngày, thậm chí 10 ngày mới được vận chuyển, rất mất vệ sinh”, ông Phí Văn Hải ở xã Hương Ngải nói.

Về tình trạng ùn ứ rác trên địa bàn, Trưởng phòng Quản lý cụm công nghiệp - dịch vụ công ích (Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Thất) Nguyễn Khả Bảo cho biết: "Đơn vị thu gom, vận chuyển là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân (Công ty Minh Quân). Ngày 2-6, chúng tôi đã lập biên bản và yêu cầu Công ty Minh Quân vận chuyển hết rác tồn đọng trên địa bàn trước ngày 10-6".

Còn theo Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Mê Linh Phạm Anh Tuấn, từ năm 2019 đến nay, đơn vị thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn huyện là Công ty Minh Quân thường xuyên không bố trí đủ phương tiện, nhân lực vận chuyển rác thải theo quy định. UBND huyện đã yêu cầu công ty này không để rác tồn đọng ở các điểm tập kết và trong khu dân cư...

Tương tự, tại các huyện: Thanh Oai, Thường Tín, Mỹ Đức... rác thải cũng tồn đọng ở nhiều các bãi tập kết do lượng rác phát sinh hằng ngày lớn hơn dự kiến, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân.

Quy rõ trách nhiệm để xử lý triệt để

Theo Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Văn Quý, để xảy ra tình trạng tồn đọng rác thải ở khu vực nông thôn thời gian qua, trước hết, trách nhiệm thuộc về các phòng, ban chức năng của các huyện. Theo tìm hiểu của phóng viên, chịu trách nhiệm chính là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các huyện - đơn vị được UBND các huyện giao quản lý, ký hợp đồng với các công ty vệ sinh môi trường, chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thu gom, vận chuyển rác thải theo quy định. Việc này khiến các công ty vệ sinh môi trường càng có lý do để thường xuyên chậm vận chuyển rác thải đi xử lý, gây ô nhiễm môi trường tại địa phương...

Nhằm xử lý triệt để tình trạng tồn đọng rác thải ở nông thôn, Chủ tịch UBND xã Mê Linh (huyện Mê Linh) Tạ Quang Thái đề xuất: Thành phố giao cho các xã, thị trấn giám sát, kiểm tra việc thực hiện các gói thầu của đơn vị vệ sinh môi trường. Trong trường hợp các đơn vị này chậm thu gom, vận chuyển, địa phương lập biên bản xử phạt theo quy định hoặc không duyệt quyết toán khối lượng...

Còn Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Thường Tín Nguyễn Hữu Tiến cho rằng, giải pháp trước mắt của đơn vị là phân luồng một phần rác thải ở những khu vực phát sinh cao sang khu vực khác; đồng thời, thường xuyên cử cán bộ kiểm tra, giám sát tại các khu vực rác tồn đọng để đôn đốc doanh nghiệp vận chuyển dứt điểm trong ngày...

Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Mai Trọng Thái cho biết, nhận được phản ánh của người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các sở: Xây dựng, Tài chính kiểm tra, xây dựng phương án giải quyết triệt để rác thải tồn đọng ở khu vực nông thôn. Trước mắt, các đơn vị vệ sinh môi trường đã ký hợp đồng với các địa phương phải tập trung nhân lực, phương tiện, tăng lượt vận chuyển, không để rác tồn đọng trong khu dân cư và điểm tập kết.

Đặc biệt, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các địa phương kiểm điểm trách nhiệm cán bộ tham mưu đề xuất, đăng ký nhu cầu dịch vụ công ích không sát thực tế, dẫn đến phát sinh khối lượng ngoài hợp đồng khiến rác thải tồn đọng, gây ô nhiễm môi trường. Thành phố cũng yêu cầu thống kê, lập hồ sơ vi phạm của các đơn vị vệ sinh môi trường để xử lý nghiêm; thậm chí không xem xét hồ sơ dự thầu vệ sinh môi trường các năm tới.

Như vậy, để xử lý triệt để tình trạng rác thải ùn ứ ở nông thôn, đòi hỏi các ngành chức năng cùng địa phương và đơn vị vệ sinh môi trường phải tăng trách nhiệm; ngoài ra, cũng cần xử lý trách nhiệm cá nhân liên quan trong việc giám sát thực hiện hợp đồng thu gom, vận chuyển rác thải tại các địa bàn. Qua đó góp phần cải thiện môi trường nông thôn và bảo đảm chất lượng cuộc sống của người dân.

Nhóm phóng viên