Căng thẳng Mỹ - Cuba gia tăng
Thế giới - Ngày đăng : 06:45, 08/06/2020
Các thực thể của Cuba bị trừng phạt gồm Công ty Fincimex, 3 khách sạn, 2 trung tâm huấn luyện lặn và 1 công viên hải dương sẽ bị cấm giao dịch tài chính hay làm ăn với bất kỳ cá nhân hay công ty nào của Mỹ. Đáng chú ý, Công ty Tài chính Fincimex là doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý và xử lý kiều hối của Cuba với tư cách đối tác đại diện cho Công ty Dịch vụ tài chính Western Union. Đây là doanh nghiệp mà phần lớn cộng đồng người Cuba tại Mỹ sử dụng để gửi tiền về cho gia đình ở trong nước. Vì vậy, việc đưa Fincimex vào danh sách trừng phạt có khả năng sẽ làm hạn chế hơn nữa việc tiếp nhận nguồn ngoại tệ của đảo quốc Caribe.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, mục tiêu của biện pháp trừng phạt mới là nhằm ngăn chặn nguồn tiền đổ vào Cuba mà theo Nhà Trắng đã được sử dụng để “mang lại lợi ích bất hợp pháp cho La Habana và tài trợ cho việc can thiệp vào Venezuela”. Tháng 10-2019, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng đã giới hạn lượng ngoại tệ gửi về Cuba của mỗi người chỉ ở mức 1.000 USD cho mỗi quý.
Phản ứng trước động thái trên, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel Bermudez đã lên tiếng bác bỏ các lệnh trừng phạt mới của Mỹ, đồng thời khẳng định đây là những hành động làm ảnh hưởng trực tiếp đến chính người dân Cuba. Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez Parrilla đã bày tỏ sự phản đối với hành động mà ông cho là làm tổn hại tới các gia đình Cuba ngay trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Ngoại giao Cuba đã chính thức gửi thư tới Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Tijjani Muhammad-Bande tố cáo vụ xả súng vào Đại sứ quán Cuba tại Mỹ sáng 30-4. Bộ trưởng Ngoại giao Cuba B.Parrilla lên án “sự im lặng đồng lõa” của Chính phủ Mỹ khi gần một tháng sau vụ việc Washington vẫn chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào phản đối hành động mang tính chất khủng bố ngay trên lãnh thổ nước mình. Cuba khẳng định không thể tách rời sự việc này với việc Mỹ siết chặt cuộc bao vây, cấm vận kinh tế chống La Habana từ gần 6 thập kỷ qua.
Trên thực tế, mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước được nối lại cách đây gần 6 năm dưới thời Tổng thống Barack Obama sau hơn nửa thế kỷ thù địch và được nhiều quốc gia trên thế giới ủng hộ. Washington đã dỡ bỏ bớt các rào cản về đi lại và thương mại với đảo quốc Caribe. Ông B.Obama đã có chuyến thăm lịch sử đến La Habana năm 2016 và hai bên cùng mong muốn hướng đến bình thường hóa quan hệ song phương.
Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi dưới thời Tổng thống D.Trump khi Washington siết lại các điều kiện ràng buộc và áp đặt thêm lệnh cấm vận mới. Với những biện pháp thắt chặt chính sách bao vây kinh tế, thương mại và tài chính, các chuyên gia cho rằng, chính quyền của Tổng thống D.Trump đã đẩy quan hệ Mỹ - Cuba trở lại quỹ đạo căng thẳng và đặt ra nhiều rào cản cho việc khôi phục quan hệ song phương trong tương lai. Hiện tại, nhiều lĩnh vực hợp tác từng được hai nước thiết lập đã tê liệt hoàn toàn, trong khi đối thoại giữa hai bên gần như không có.
Trong bối cảnh đó, việc đưa 7 thực thể của Cuba vào danh sách trừng phạt là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa hai quốc gia châu Mỹ ngày càng xấu đi.
Dù khẳng định La Habana bảo trì nguyên tắc đáp trả ngoại giao tương xứng, song các lãnh đạo nước này luôn nhấn mạnh, Cuba đã và sẽ không phải là bên chủ động tiến hành bước đi ban đầu với lập trường rằng cả nhân dân Cuba và Mỹ đều không được hưởng lợi từ tình trạng này.