Kỳ vọng cơ hội ''cất cánh''

Kinh tế - Ngày đăng : 09:16, 08/06/2020

(HNMO) - Hôm nay 8-6, là ngày đáng nhớ của kinh tế Việt Nam khi Quốc hội chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Sau hành trình 10 năm đàm phán, từ hôm nay, kinh tế Việt Nam chính thức có "đường cao tốc" kết nối tới một thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu thế giới; mở ra kỳ vọng nền kinh tế sẽ "cất cánh" trong thời gian tới.

Dây chuyền may veston của Công ty May 10 tại Hưng Hà, Thái Bình.

Cơ hội song hành thách thức  

Những kỳ vọng đó có cơ sở rõ ràng bởi ngay khi EVFTA có hiệu lực, Liên minh châu Âu (EU) sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Và sau 7 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, người trực tiếp tham gia đoàn đàm phán cho biết: “Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho chúng ta trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của chúng ta hiện nay”.

Trong dài hạn, việc thực thi EVFTA giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu và cạnh tranh phát triển bền vững trong tương lai. Đây cũng là cú huých để Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh nhằm thực hiện các cam kết sâu rộng về đầu tư của hiệp định. EVFTA cũng mở ra cơ hội đầu tư từ các nước châu Âu với nguồn lực tài chính dồi dào đi liền công nghệ cao, trình độ quản trị và đội ngũ nhân lực chất lượng…

Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được đón nhận các sản phẩm hàng hóa với mức giá thấp hơn trước đây do được miễn thuế hải quan. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được mua nguyên liệu, máy móc, vật tư từ châu Âu với mức giá thấp để đầu tư kinh doanh. Về tổng thể, theo các chuyên gia kinh tế, EVFTA được kỳ vọng góp phần giúp GDP của Việt Nam tăng thêm bình quân từ 2,18% đến 3,25% (giai đoạn 2019-2023); từ 4,75% đến 5,3% (giai đoạn 2024-2033)…

Tuy nhiên, thời cơ luôn song hành thách thức, mà cụ thể là việc đáp ứng các tiêu chuẩn để hưởng mức miễn giảm thuế quan. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương chỉ rõ, rất nhiều doanh nghiệp đang xuất khẩu vào EU là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nguồn lực hạn chế, quy trình sản xuất chưa đạt chuẩn EU, chưa khai thác hiệu quả tài sản sở hữu trí tuệ, thương hiệu, thiếu nhân lực có ngoại ngữ và kỹ năng đàm phán chuyên nghiệp để thực hiện hoạt động xuất khẩu... Các chuyên gia cũng cảnh báo, đây là hiệp định chất lượng cao, do đó EU cũng đặt ra những yêu cầu cao về nhiều mặt, như: Vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động, môi trường…, trong khi không phải doanh nghiệp nội địa nào cũng đáp ứng được các yêu cầu.

Cùng với đó, một loạt đạo luật quan trọng, như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ luật Lao động và một số luật về thuế cần được sửa đổi, bổ sung, kịp thời thông qua để phù hợp với các quy định của EVFTA. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai phía.

Sẵn sàng cho “cuộc chơi” mới

Rõ ràng, việc phê chuẩn và thực thi EVFTA có ý nghĩa quan trọng, là làn gió mát lành thổi vào khát vọng vươn lên phát triển kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp. Việc cần làm lúc này là các doanh nghiệp phải nhanh chóng hành động biến thời cơ thành hiện thực.

Cùng với đổi mới công nghệ, đầu tư phát triển thị trường, phổ biến kiến thức để các doanh nghiệp hiểu rõ về các hiệp định, không chỉ riêng EVFTA, ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: “Định hướng lâu dài của tập đoàn là khuyến khích các doanh nghiệp trong tập đoàn thành lập chuỗi liên kết từ nguyên phụ liệu, sử dụng sản phẩm theo chuỗi hướng tới mục tiêu cùng nâng cao chất lượng cũng như giảm giá thành sản phẩm bán ra, thỏa mãn các yêu cầu về xuất xứ của đối tác”.

Sẵn sàng lấn sân sâu rộng vào thị trường EU, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho hay, thời gian qua, các doanh nghiệp ngành thủy sản đã chủ động, nỗ lực đáp ứng yêu cầu về chất lượng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc và tuân thủ việc đánh bắt hợp pháp để đón đầu cơ hội, vận dụng tốt ưu đãi ngay khi EVFTA có hiệu lực.

Dù chưa có sản phẩm tiếp cận được thị trường EU song bà Nguyễn Hà Thu, đại diện Công ty TNHH Thương mại và thủy sản Thu Trà (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) thông tin, doanh nghiệp đang áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng vào quá trình tổ chức sản xuất, tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, xuất xứ hàng hóa… để trong tương lai gần có thể xuất hàng sang châu Âu.

Cùng với các doanh nghiệp, các bộ, ngành, nhất là Bộ Công Thương đã có sự chuẩn bị chủ động, kỹ lưỡng và bài bản cho việc thực thi EVFTA. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thông tin: “Cùng với kế hoạch hành động tổng thể của Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đã có kế hoạch chi tiết, tổ chức thường xuyên, liên tục các hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tận dụng tối đa những cơ hội EVFTA mang lại. Việc hoàn thiện thể chế chính sách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thông tin truyền thông nâng cao hiểu biết về EVFTA, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực… sẽ tiếp tục được đẩy mạnh”.

Sẽ còn nhiều việc phải làm để chúng ta vững vàng bước vào một sân chơi mới và gặt hái những thành công. Song với sự chung tay, vào cuộc đầy trách nhiệm, kịp thời của các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp và đặc biệt là sự chủ động chuyển đổi, thích nghi của cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta tin tưởng sẽ gặt hái những “trái ngọt” từ EVFTA và kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ "cất cánh" trong thời gian tới.

Hà Hiền