Cần làm rõ cơ sở pháp lý giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định EVIPA

Chính trị - Ngày đăng : 11:57, 08/06/2020

(HNMO) - Sáng 8-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nghị quyết nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện cam kết của Việt Nam về bảo hộ đầu tư phù hợp với quy định của Hiệp định EVIPA. Đồng thời, thi hành đầy đủ, nhất quán, đúng lộ trình cam kết của Việt Nam về cơ chế công nhận và thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định EVIPA. 

Thảo luận về vấn đề này, đa số đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Về quy định công nhận và cho thi hành phán quyết giải quyết tranh chấp đầu tư phát sinh từ Hiệp định, đại biểu Lê Anh Tuấn (Đoàn Hà Tĩnh) đề nghị làm rõ cơ sở pháp lý để quy định Tòa án Việt Nam ra quyết định công nhận hoặc không công nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Đại biểu cũng yêu cầu làm rõ quy định “người được thi hành phán quyết” là những chủ thể nào, là nhà đầu tư hay bao gồm cả quốc gia trong trường hợp quốc gia là bên có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) và một số đại biểu cũng đưa ra quan điểm, Tòa án nhân dân Tối cao cần có sự tổng kết thi hành Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài, từ đó rút ra điểm cần thiết trong việc thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài theo Hiệp định EVIPA. Đồng thời, bổ sung làm rõ hơn về thời hạn 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, phán quyết đối với bị đơn là Việt Nam được coi là phán quyết của trọng tài nước ngoài.

Làm rõ việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là vấn đề mới, chưa có thực tiễn áp dụng, do đó cần rà soát toàn bộ quy định của pháp luật liên quan để nghiên cứu thiết kế nội dung phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đa số ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, trong đó nêu rõ Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày Hiệp định EVIPA có hiệu lực. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục tiếp thu, bổ sung hoàn thiện dự thảo trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

* Trước đó, Quốc hội đã nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, trong nhiều năm qua, Agribank (Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) chưa được Nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ, tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản, khiến tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng bị suy giảm. Vốn điều lệ của Agribank hiện đạt 30.591 tỷ đồng, nếu tính theo chuẩn mực vốn Basel II, thời điểm 31-3-2020, tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng chỉ đạt 6,9% (không bảo đảm yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định). Nếu không tăng vốn điều lệ cho Agribank ngay trong năm nay thì sẽ không thể đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Báo cáo thẩm tra về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết tăng vốn điều lệ cho Agribank, đề xuất Quốc hội xem xét bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 để bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng. Đồng thời, Chính phủ phải bảo đảm việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank đúng thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Tiến Thành