Trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng: Thực trạng đáng báo động
Đời sống - Ngày đăng : 06:29, 09/06/2020
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Đầu năm 2020, sau 2 tháng yêu nhau qua mạng internet, một bé gái lớp 7 tại Hà Nội bị bạn trai 21 tuổi mô tả bộ phận nhạy cảm trên cơ thể, rồi gửi ảnh khỏa thân. Bé gái đã sợ hãi và bị bất ổn về tâm lý. Đây là một trong những câu chuyện về mặt trái của mạng internet đối với trẻ được chuyên gia tư vấn Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em - 111 (Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Phan Lan Hương chia sẻ.
Theo chị Hương, trường hợp trên rất may mắn khi đã dừng ngay kết bạn với đối tượng xấu. Nhưng không phải bé gái nào cũng được may mắn như thế. Như câu chuyện buồn của em gái 16 tuổi cũng tại Hà Nội khi tự tìm việc làm trên mạng trong dịp nghỉ hè năm 2019 là một ví dụ. Một cơ quan tuyển dụng đã hẹn em đến phỏng vấn và em đã bị xâm hại tình dục ngay trong văn phòng đó. "Khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi đã tham vấn tâm lý để em giảm bớt nỗi sợ hãi, đề nghị em trị liệu tâm lý (được miễn phí), hoặc yêu cầu cơ quan chức năng xác định kẻ đồi bại... Tuy nhiên, em đã từ chối mọi hỗ trợ nhằm giữ bí mật cho bản thân", chị Hương cho biết.
Cũng nói về thực trạng nhức nhối này, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông (Tổng đài 111) Nguyễn Công Hiệu dẫn chứng thêm, trường hợp bé gái B.T.N. (15 tuổi, tại tỉnh Hà Tĩnh) dù chỉ quen bạn qua mạng, nhưng cuối tháng 3-2020, cháu N. đã bắt xe khách vào gặp bạn tên Hùng tại Quảng Bình. Tại đây, bé đã bị Hùng và bạn của Hùng 3 lần thực hiện hành vi giao cấu. Lực lượng chức năng đã bắt giữ các đối tượng xấu ngay sau khi bị tố giác...
Yêu cầu phải hành động
Làm rõ hơn vấn đề này, ông Nguyễn Công Hiệu thông tin, 4 tháng đầu năm 2020, Tổng đài 111 đã tiếp nhận 125.314 cuộc gọi đến, đề nghị được tư vấn, hỗ trợ và can thiệp, trong đó, nhiều trường hợp bị xâm hại khi làm quen trên môi trường mạng. Tuy chưa có số liệu cụ thể về số trẻ bị xâm hại qua môi trường mạng, nhưng từ các cuộc gọi đến cho thấy, nguyên nhân chính là nhiều trẻ em chưa được gia đình, nhà trường quan tâm đúng mức. Các em đã không được trang bị kỹ năng sống cũng như kiến thức về việc sử dụng internet, mạng xã hội an toàn. Công tác bảo vệ trẻ em của cơ quan chức năng trên môi trường mạng cũng chưa được đáp ứng đầy đủ. "Tôi cho rằng, các em cần được trang bị các kiến thức về sử dụng internet an toàn. Bên cạnh đó là trang bị kiến thức cho các bậc phụ huynh để quan tâm giáo dục, giúp các em tự bảo vệ bản thân", ông Hiệu nhấn mạnh.
Trước thực tiễn này, ngày 5-3-2020, Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ký kết chương trình phối hợp thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Thành Phúc, trẻ em hiện đã trở thành công dân số trong giai đoạn công nghệ số. Các em sống trên môi trường mạng nhiều giờ mỗi ngày, vì vậy cần có môi trường lành mạnh.
Còn theo Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam, sự phối hợp giữa hai bên sẽ tạo thành quy trình hài hòa để phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, xử lý các hành vi xâm hại trẻ trên môi trường mạng. Các em sẽ được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, bảo vệ, thông qua việc xây dựng hoàn chỉnh khung pháp lý và chính sách liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Thực tế, Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã có nhưng để hiệu quả thực sự thì còn rất nhiều việc phải làm. Tại lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 diễn ra vào ngày 1-6 vừa qua với chủ đề: “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Các đơn vị phải thay đổi công tác tuyên truyền, cách tiếp cận, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thân thể trẻ em và quy trách nhiệm cho người đứng đầu các cơ quan chức năng... Điều này cũng đồng nghĩa với việc, gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng phải hành động bằng những việc làm cụ thể, thiết thực thì trẻ em mới được bảo vệ an toàn trên môi trường mạng.