Cơ hội và thách thức từ EVFTA
Kinh tế - Ngày đăng : 07:13, 09/06/2020
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc (đại biểu Quốc hội Đoàn tỉnh Thái Bình):
Xung lực giúp Việt Nam tái khởi động phục hồi kinh tế
Hiệp định EVFTA khi có hiệu lực sẽ tạo ra xung lực giúp Việt Nam tái khởi động phục hồi kinh tế. EVFTA cũng được kỳ vọng là động lực cho sự phát triển, liên kết và thu hút làn sóng đầu tư, giúp Việt Nam vượt lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Dù vậy, thách thức cũng vô cùng lớn, vì muốn làm ăn với các nước châu Âu thì thể chế phải chuẩn mực, vươn tới đạt chuẩn về môi trường, lao động.
Khi hợp tác kinh doanh với châu Âu, doanh nghiệp Việt Nam sẽ trưởng thành hơn, nâng cấp hơn và đó là tác động vô cùng lớn. Trước mắt, doanh nghiệp phải làm sao để hàng hóa bảo đảm tỷ lệ đầu vào khi xuất khẩu sang châu Âu, sử dụng phần lớn tỷ lệ nội địa của các nước hay cộng đồng châu Âu. Điều này đòi hỏi phải tái cấu trúc nguồn cung nguyên vật liệu cho sản xuất của Việt Nam.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội):
Cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
EVFTA có cam kết sâu và đưa ra lộ trình thực hiện nhanh, nên sau khi được Quốc hội phê chuẩn, hai bên thống nhất, hiệp định sẽ có hiệu lực ngay. Khi EVFTA có hiệu lực, 99% hàng hóa của Việt Nam sẽ được nhập khẩu vào thị trường châu Âu. Đây là cơ hội rất tốt để hàng hóa Việt Nam tiếp cận với một thị trường cao cấp. Cơ hội này rất đặc biệt bởi hiện tại, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số thị trường truyền thống của Việt Nam đang gặp không ít khó khăn và chưa thực sự phục hồi.
Lợi thế nữa là trong cam kết mở cửa thị trường của hai bên có nhiều hàng hóa thuộc thế mạnh của Việt Nam và những mặt hàng này không cạnh tranh với hàng hóa châu Âu, như: Nông sản, thủy hải sản, đồ gỗ, hàng lắp ráp điện tử…
Châu Âu đặt ra những tiêu chuẩn kiểm soát về kỹ thuật, quản trị, sự minh bạch rất cao. Khi tham gia EVFTA, chúng ta sẽ phải nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là phải cải thiện môi trường đầu tư ngang tầm các nước châu Âu. Vì vậy, hiệp định này cũng chính là cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn tỉnh Quảng Bình):
Cú hích để doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh
EVFTA là hiệp định hết sức quan trọng nhằm tạo sự liên kết giữa Việt Nam với các nước trên thế giới; giúp Việt Nam có thể thu hút các doanh nghiệp nước ngoài và ngược lại. Đây là động lực hết sức quan trọng để phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới.
Tuy nhiên, khi tham gia EVFTA, chúng ta cũng sẽ gặp khó khăn do sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam so với doanh nghiệp thế giới chênh lệch khá nhiều. Đa phần doanh nghiệp nước ngoài đều là doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu chỉ là vừa và nhỏ, yếu hơn rất nhiều so với doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước ngoài. Hy vọng, EVFTA sẽ là cú hích để các doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh và có sức cạnh tranh lớn hơn.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam:
Tạo đà tăng trưởng xuất khẩu
Là một hiệp định rất quan trọng với ngành Da giày Việt Nam, EVFTA giúp khôi phục sản xuất, tạo đà tăng trưởng xuất khẩu, bù đắp lại những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra từ đầu năm đến nay. Chúng tôi kỳ vọng, những cơ hội EVFTA mang lại sẽ giúp cho ngành tăng trưởng trở lại và duy trì ở mức 10% trong những tháng cuối năm. Chúng ta đều biết EVFTA là cơ hội lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp cần cải thiện rất nhiều để đủ tiềm lực, từ đó tiếp cận được thị trường xuất khẩu có cam kết rất sâu rộng như châu Âu.