Đến trường là đón ngày vui

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:10, 11/06/2020

(HNM) - Thời gian qua, những nỗ lực của ngành Giáo dục trong việc xây dựng trường học thân thiện, lớp học hạnh phúc… đã thu nhận được nhiều kết quả tích cực. Học sinh đến trường không chỉ để học chữ, mà còn là nơi các em tu dưỡng, rèn luyện bản thân để sau này đi làm, trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, mặc dù môi trường học đường luôn hướng học sinh đến đức - trí - thể - mỹ nhưng đâu đó vẫn xảy ra những câu chuyện không hay, thậm chí là tiêu cực: Giáo viên có hình thức xử phạt học sinh mắc lỗi chưa phù hợp; một số học sinh là nạn nhân bạo lực học đường bị tổn thương nặng nề về thể chất, tinh thần… Đây có thể chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng vẫn khiến các bậc phụ huynh, xã hội lo lắng.

Trước những vấn đề đặt ra trong môi trường học đường hiện nay, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học là hết sức thiết thực. Điều lệ được ban hành sẽ là khung pháp lý căn bản để xây dựng trường học thực sự an toàn, lành mạnh, học sinh được phát triển toàn diện.

Soi chiếu vào thực tiễn đời sống cũng như nhìn từ môi trường học đường có thể thấy, những quy định bắt buộc là rất cần thiết, nhưng để thực hiện hiệu quả đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, từ cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, các trường học đến các bậc phụ huynh và các em học sinh..., trong đó nhà trường đóng vai trò hết sức quan trọng.

Nhà trường - được xem là môi trường gắn bó và thân thiện với học sinh chỉ sau gia đình. Vì lẽ đó, những người có trách nhiệm là hiệu trưởng, ban giám hiệu phải luôn hướng các hoạt động của nhà trường vào mục tiêu: “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Trong đó, xây dựng được tập thể nhà giáo chuẩn mực, có nhận thức, năng lực nghề nghiệp, tình cảm và sự thân thiện với học sinh là vấn đề phải được ưu tiên. Song song với việc bảo đảm điều kiện vật chất cho việc dạy học; lãnh đạo các nhà trường cần thường xuyên bồi dưỡng, hỗ trợ giáo viên về kỹ năng quản lý học sinh, bảo đảm môi trường làm việc an toàn, hạnh phúc.

Với đội ngũ giáo viên - nhân tố quyết định, căn bản để xây dựng trường học an toàn, hạnh phúc, ngoài việc thường xuyên trau dồi, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, cần gần gũi, lắng nghe, chia sẻ với học sinh hơn nữa. Đặc biệt, cần tạo cơ hội để học sinh mạnh dạn bộc lộ cảm xúc, tâm tư, nguyện vọng; đồng thời tìm cách giải quyết, đáp ứng yêu cầu chính đáng của các em. Bên cạnh đó, giáo viên cũng nên tăng cường trao đổi với phụ huynh, kịp thời nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư để hiểu các em nhiều hơn…

Không thể “khoán trắng” cho nhà trường và các thầy cô, muốn con mình hình thành nhân cách, đạo đức tốt thì các bậc phụ huynh phải luôn là tấm gương tốt đẹp cho con cái soi chiếu. Bởi, sự nhân văn, tình yêu thương, hạnh phúc gia đình luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho sự trưởng thành của các em. Một việc quan trọng khác, đó là các cha mẹ phải dành thời gian quan tâm, theo dõi con; thường xuyên liên lạc, trao đổi với các thầy cô để kịp thời phát hiện, uốn nắn những hành vi chưa đúng mực; giúp các em có cách ứng xử, giao tiếp phù hợp cả trong trường học và ngoài xã hội.

Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, tình yêu thương và sự chung tay hành động của nhà trường, thầy cô, cha mẹ sẽ giúp thiết lập môi trường học đường an toàn, hạnh phúc, qua đó tạo nền tảng cho các học sinh phát triển, trưởng thành.

Bắc Vũ