Bài 2: ''Điểm mặt'' nguyên nhân gây ô nhiễm

Công nghệ - Ngày đăng : 07:11, 11/06/2020

(HNM) - Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã phân tích và "điểm mặt" 12 nguyên nhân cụ thể, từ đó triển khai các giải pháp ứng phó. Trong đó, ngoài yếu tố thời tiết, khí hậu thì việc gia tăng đáng kể các phương tiện cá nhân cũng như tình trạng đốt rơm rạ, rác thải, than tổ ong; bụi công trường là các nguồn phát thải chủ yếu, khiến không khí tại Thủ đô bị ảnh hưởng ngày càng tiêu cực.

Sử dụng bếp than tổ ong là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Ảnh: Trọng Nghĩa

Ô nhiễm do nhiều nguyên nhân

Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, chất lượng không khí ở Hà Nội chịu tác động từ nhiều nguồn. Đáng nói, điều kiện thời tiết và khí hậu (hiện tượng nghịch nhiệt) kết hợp các nguồn ô nhiễm nội sinh dẫn đến chỉ số về ô nhiễm không khí tăng cao.

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho hay, không khí ô nhiễm chủ yếu do các nguồn phát thải tăng như: Tác động từ đốt rơm rạ, rác thải, than tổ ong... Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có 55.000 bếp than tổ ong, mỗi ngày đốt tới 528 tấn than, phát thải ra môi trường 1.870 tấn khí CO2 - đây là nguồn gây ô nhiễm không nhỏ.

Trong khi đó, việc gia tăng phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy) với lượng phát thải chưa được kiểm soát cũng là yếu tố quan trọng gây ô nhiễm không khí. Theo ông Phạm Hải Dương, cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 685.000 xe ô tô; gần 5,6 triệu xe máy; hơn 1 triệu phương tiện giao thông từ các địa phương khác hằng ngày cùng nhả khói ra môi trường Thủ đô. Nghiêm trọng hơn, khi ùn tắc giao thông kéo dài, động cơ xe vẫn hoạt động khiến lượng khí thải phát ra càng nhiều...

Anh Nguyễn Văn Quyết, phường Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm) cho rằng, các công trình xây dựng trên địa bàn Hà Nội không thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường như không tưới nước thường xuyên, không che chắn, không rửa xe khi ra, vào công trường... cũng là nguyên nhân quan trọng làm phát sinh bụi bẩn, ô nhiễm không khí.

Ngoài ô nhiễm từ các nguồn nội tại, Hà Nội còn chịu tác động bởi nhiều nguồn ô nhiễm khác. Cụ thể, các địa phương xung quanh Hà Nội có nhiều làng nghề sản xuất, khu công nghiệp hoạt động, hằng ngày thải ra môi trường lượng lớn khí thải làm gia tăng ô nhiễm không khí.

Việc phân tích, chỉ rõ 12 nguyên nhân cơ bản tác động tiêu cực tới chất lượng không khí Thủ đô là cơ sở để thành phố đề ra những giải pháp phù hợp nhằm hạn chế, khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí.

Chậm chuyển biến - vì sao?

Trước tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội có xu hướng ngày càng gia tăng, Thành ủy, UBND thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các biện pháp giải quyết. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31-5-2017 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo; UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 3-7-2017 của về triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TU... Đặc biệt, ngày 25-12-2019, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục có Chỉ thị số 19/CT-UBND về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, có thể thẳng thắn nhận định: Hà Nội vẫn chưa tạo được bước chuyển biến căn bản về cải thiện chất lượng không khí.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có nhiều, cả khách quan và chủ quan. Trong đó, có sự phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện chưa chặt chẽ; lực lượng chức năng chưa xử lý triệt để các phương tiện chở vật liệu xây dựng gây rơi vãi ra đường, phố. Trong khi đó, công tác thu gom, vận chuyển rác ở khu vực ngoại thành chưa rốt ráo; tình trạng đốt rác thải sinh hoạt, rác thải làng nghề và rơm rạ vẫn xảy ra nhưng cơ quan chức năng và đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở chưa kiên trì, quyết liệt xử lý một cách rốt ráo.

Một nguyên nhân nữa phải kể đến là tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô của Việt Nam còn thấp. Cụ thể, tại các nước châu Âu đang áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô là euro 6, nhưng tại Việt Nam mới áp dụng tiêu chuẩn khí thải euro 4 - đây là mức khá thấp...

Các nguyên nhân đã được “điểm mặt”, nhiều giải pháp đã được triển khai..., nhưng vì sao chất lượng không khí trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa được cải thiện? Trả lời câu hỏi này, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, đã đến lúc cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Bởi thực tế cho thấy, mặc dù UBND thành phố đã giao Công an thành phố phối hợp với các sở, ngành kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhưng các loại xe chuyên chở vật liệu xây dựng vẫn "tung" bụi khắp nơi khắp chốn.

Hay việc thành phố giao nhiệm vụ cho Sở Giao thông - Vận tải kiểm soát khí thải phương tiện giao thông và xử phạt ô tô, xe máy quá niên hạn sử dụng, nhưng thực tế vẫn còn gần 55.000 xe cũ nát, có niên hạn sử dụng từ 30 đến 50 năm lưu hành trên khắp phố phường. Rồi việc thành phố đặt mục tiêu đến hết năm 2020, hoàn thành xây dựng các bãi rửa xe tại các đường trục chính vào thành phố nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được...

Cùng với đó cũng cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các chính quyền địa phương trong việc để tình trạng đốt rơm, rác thải sinh hoạt tái diễn trong nhiều năm qua, để có hình thức xử lý phù hợp. 

Có thể thấy, mặc dù đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể của Thành ủy, UBND thành phố nhưng các cấp, ngành liên quan còn chưa triển khai thực hiện hiệu quả. Đây là vấn đề cần được khắc phục trong thời gian tới.

(Còn nữa)

Hoàng Sơn - Nguyễn Mai