Cùng nỗ lực vực dậy nền kinh tế toàn cầu

Thế giới - Ngày đăng : 06:34, 11/06/2020

(HNM) - Những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra được xem như cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất đối với nền kinh tế toàn cầu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II (1945). Đứng trước nguy cơ suy thoái, đảo ngược tiến trình hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế, nhiều quốc gia đã đưa ra hàng loạt biện pháp kích thích mạnh mẽ nhằm cùng nỗ lực vực dậy nền kinh tế sau "cú sốc" của dịch Covid-19.

Cùng với quyết định nới lỏng phong tỏa, Nga đã công bố kế hoạch phục hồi kinh tế trị giá 72,75 tỷ USD.

Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6-2020 của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố cho thấy, nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm nghiêm trọng ở mức 5,2% trong năm nay do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 cùng với các biện pháp phong tỏa ở nhiều quốc gia. Cuộc khủng hoảng có nguy cơ khiến 100 triệu người dân trên thế giới rơi vào cảnh nghèo cùng cực, một viễn cảnh tệ hơn nhiều so với con số ước tính 60 triệu người trước đây. Thách thức này đòi hỏi chính phủ các nước phải tăng cường chất lượng dịch vụ y tế song song với áp dụng các biện pháp nhằm khôi phục đà tăng trưởng kinh tế, trong đó chú trọng hỗ trợ khu vực tư nhân và trợ cấp tiền mặt cho những người bị ảnh hưởng trực tiếp.

Thực tế, hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu cho phép người dân quay trở lại làm việc và “bật đèn xanh” cho các doanh nghiệp mở cửa hoạt động sau gần 3 tháng gián đoạn do dịch Covid-19. Gần đây nhất, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn kế hoạch khôi phục nền kinh tế của nước này do Thủ tướng Mikhail Mishustin đệ trình. Chi phí của kế hoạch lên tới 5.000 tỷ ruble (tương đương 72,75 tỷ USD) và mục tiêu chính là hỗ trợ người dân, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch. Kế hoạch này được chia làm 3 giai đoạn nhằm duy trì cung cầu trong xã hội và khởi động lại năng lực sản xuất, gồm: Ổn định tình hình đến cuối năm 2020, phục hồi từ đầu năm 2021 và chuyển sang tăng trưởng trong quý IV-2021.

Tương tự, Liên minh châu Âu (EU) cũng vừa công bố hướng đi mới nhằm vào công nghệ để phục hồi nền kinh tế của khối. Đây là một phần trong kế hoạch phục hồi trị giá 750 tỷ euro mà các nhà lãnh đạo Cựu lục địa tung ra với mục tiêu đạt được sự tự chủ về công nghệ sau khi thoát khỏi cuộc khủng hoảng do dịch bệnh gây ra.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, kế hoạch bao gồm tập trung đầu tư vào các mạng 5G và 6G để đem lại lợi ích cho các lĩnh vực như: Y tế, giáo dục, vận tải... Các lĩnh vực khác sẽ được hưởng quỹ nhiều hơn gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI), an ninh mạng, thông tin bảo mật... EC cũng nhấn mạnh tới kế hoạch thông qua một đạo luật về dữ liệu để tận dụng các phát kiến của khối về dữ liệu công nghiệp, môi trường, y tế, giao thông và quản lý công.

Trong khi đó, tại châu Á, sau Nhật Bản, Singapore và Philippines thì Malaysia cũng mới công bố kế hoạch phục hồi kinh tế ngắn hạn với 40 sáng kiến trị giá 35 tỷ RM (tương đương 8,2 tỷ USD) nhằm giảm thiểu tác động của dịch Covid-19. Phần lớn các sáng kiến tập trung vào nỗ lực bảo đảm việc làm, tái đào tạo kỹ năng lao động và nới lỏng tài chính cùng dòng tiền mặt cho các doanh nghiệp.

Những biện pháp kích thích đồng thời tại nhiều quốc gia được đánh giá là "cú hích", tạo ra một hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng vừa cảnh báo nguy cơ bùng phát làn sóng dịch Covid-19 thứ hai đang đe dọa, làm xói mòn các nỗ lực phục hồi kinh tế tại nhiều quốc gia. Trong bối cảnh đó, chính phủ các nước cần nhanh chóng đánh giá tác động của đại dịch, từ đó đưa ra những giải pháp hợp lý và kịp thời, nỗ lực đưa nền kinh tế thoát khỏi "cú sốc" một cách an toàn. Điều này đòi hỏi phải có một sự quyết tâm cao độ, sự phối hợp đồng lòng của các quốc gia trên quy mô toàn cầu.

Quỳnh Dương