Có thể khởi công 3 dự án cao tốc Bắc - Nam bằng vốn đầu tư công

Giao thông - Ngày đăng : 16:51, 11/06/2020

(HNMO) - Chiều 11-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020.

Về việc này, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư từ hình thức PPP sang đầu tư công, sử dụng 100% vốn đầu tư công, đối với 3 dự án thành phần: Đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. 5 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP.

Hiện, tổng mức đầu tư của dự án là 100.816 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 78.461 tỷ đồng, gồm 55.000 tỷ đồng đã bố trí theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội; phần vốn còn thiếu (23.461 tỷ đồng), Quốc hội giao Chính phủ tổng hợp, báo cáo Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Đầu tư công.

Đại biểu Nguyễn Hồng Hải (Đoàn Bình Thuận).

Qua thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu bày tỏ đồng tình với sự cần thiết chuyển đổi hình thức đầu tư từ hình thức PPP sang đầu tư công, sử dụng 100% vốn đầu tư công, đối với 3 dự án trên.

Đại biểu Nguyễn Hồng Hải (Đoàn Bình Thuận) cho rằng, việc khó huy động nhà đầu tư tham gia các dự án là do khó khăn trong khả năng huy động vốn tín dụng chứ không phải do khả năng hoàn vốn của dự án. Với việc huy động vốn từ các ngân hàng và các tổ chức tín dụng hiện nay đang gặp nhiều khó khăn thì việc chuyển các dự án này sang đầu tư công là hoàn toàn hợp lý.

Mặt khác, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ) đánh giá, khối lượng 3 dự án trên chiếm 40% tổng chiều dài toàn tuyến; kêu gọi đầu tư từ xã hội chỉ còn 22%, 78% còn lại được đầu tư bằng ngân sách; 5/8 dự án thành phần được đầu tư theo hình thức PPP nhưng chưa có gì bảo đảm sẽ lựa chọn được nhà đầu tư. Đại biểu Hoàng Quang Hàm và đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cần chấn chỉnh khâu dự báo, chuẩn bị đầu tư các dự án PPP và xem xét lại vì sao không kêu gọi được nhà đầu tư. “Việc chuyển đổi là bất đắc dĩ và không nên tạo thành tiền lệ”, đại biểu Hoàng Quang Hàm nói.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ).

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc), đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) và một số đại biểu cũng lo ngại chưa đánh giá được tác động từ việc huy động vốn từ ngân sách nhà nước và phương án cân đối vốn của dự án; đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện nghiêm túc theo Luật Đầu tư công, bảo đảm công khai, minh bạch, không được để lặp lại tình trạng chậm tiến độ, chất lượng không bảo đảm và tăng tổng mức đầu tư như nhiều dự án đầu tư công thời gian qua.

Làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, do không lựa chọn được nhà đầu tư quốc tế phù hợp nên dự án đã chuyển sang đấu thầu trong nước, tuy nhiên các nhà đầu tư trong nước lại gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn tín dụng để thực hiện dự án. Hiện, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện điều chỉnh thiết kế, phân chia gói thầu, hoàn thành dự toán…, để khi chủ trương được Quốc hội thông qua, toàn bộ 3 dự án thành phần được chuyển đổi hình thức đầu tư sẽ được khởi công trong năm 2020.

Kết luận vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đã có 11 đại biểu phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Tiến Thành