Đề xuất thu phí rác sinh hoạt theo khối lượng: Không đánh đồng bình quân

Xã hội - Ngày đăng : 17:10, 12/06/2020

(HNMO) - Bên hành lang Quốc hội, tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, ngày 12-6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trao đổi với báo chí về thông tin liên quan tới một số vấn đề được đề cập tại dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Về việc thu phí rác sinh hoạt theo khối lượng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, việc này không phải là đánh đồng bình quân, mà tính trên lượng rác, đo bằng khối lượng, thể tích để tính phí. Thông thường, nếu đo theo khối lượng thì không thực tế nên chủ yếu phải đo bằng thể tích mét khối rác. Tính theo thể tích là phù hợp hơn và thể tích rác nhiều thì phải trả tiền nhiều hơn.

“Vấn đề này không được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) mà luật sẽ chỉ đưa ra nguyên tắc, trên cơ sở đó các địa phương quy định chi tiết về quá trình thực thi. Việc này có thể được cụ thể hóa bằng nghị định, thông tư”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Để thực hiện quy định này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, có nhiều cách. Thực tế, nhiều quốc gia tính tiền rác qua bao bì. Trong đó, người dân thực hiện phân loại rác vào bao bì màu sắc khác nhau, có thể tích khác nhau và cơ quan chức năng dựa vào lượng rác thể hiện trên bao bì để tính tiền thu rác. Bên cạnh đó, với loại rác không phải là phế thải, ví dụ như giấy, đồ nhựa… có thể tái chế, nếu người dân gom lại, phân loại thì có thể không phải trả tiền. Đồng thời, Nhà nước sẽ nghiên cứu tính toán phù hợp để có chính sách hỗ trợ cho người dân trong việc phân loại rác.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, quan trọng là người dân cần nhận thức đầy đủ về vấn đề phân loại rác, vì đây là việc người dân trực tiếp làm, trực tiếp giải quyết để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng. Nhà nước bảo đảm các điều kiện để làm sao ngay từ khâu phân loại rác đã có chính sách khuyến khích người dân tham gia và người dân cũng được thụ hưởng lợi ích qua việc đó. Nhà nước cũng phải đầu tư ngay để bảo đảm tính đồng bộ từ quá trình vận chuyển, bởi đã phân loại thì phải gắn với khâu vận chuyển và xử lý phù hợp với từng loại rác.

Mai Hữu