Hà Nội xét tuyển viên chức với 2.034 giáo viên: Công khai, minh bạch, bảo đảm quyền lợi
Giáo dục - Ngày đăng : 19:42, 12/06/2020
- Việc xét tuyển đối với các giáo viên làm công việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập thuộc thành phố từ năm 2015 trở về trước đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Bà có thể cho biết, thành phố Hà Nội đã thực hiện công việc này thế nào?
- Thực hiện theo tinh thần của Bộ Chính trị, Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ là xem xét, quan tâm ưu tiên nhóm đối tượng giáo viên ký hợp đồng từ năm 2015 trở về trước, có đóng bảo hiểm xã hội và trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng, Sở Nội vụ Hà Nội đã hướng dẫn các quận, huyện, thị xã tiến hành thống kê, rà soát, kiểm tra để xác định đối tượng được ưu tiên xét tuyển; trên cơ sở đó lên danh sách, tổng hợp hồ sơ, thành lập các tổ kiểm tra hồ sơ… Các công việc này được làm chặt chẽ theo căn cứ pháp lý và đầy đủ các bước thực hiện nên thời gian tiến hành lâu (từ đầu năm đến nay mới xong).
Sau khi rà soát, toàn thành phố có 2.034 trường hợp đủ điều kiện xét tuyển đặc cách. Tiếp đó, các quận, huyện, thị xã tiến hành rà soát số chỉ tiêu còn thiếu của toàn bộ các cấp học năm 2020 là 5.125 chỉ tiêu. Như vậy, tổng chỉ tiêu nhiều hơn số giáo viên đủ điều kiện xét tuyển. Tuy nhiên, phân tích về môn học thì có một số môn lại thiếu chỉ tiêu như: Toán, văn, ngoại ngữ. Vì vậy, để bảo đảm tinh thần chỉ đạo của Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ đã báo cáo thành phố và bổ sung 224 chỉ tiêu của 4 môn từ quỹ dự phòng nguồn biên chế. Như vậy, toàn thành phố có tổng số 5.349 chỉ tiêu giáo viên còn thiếu ở 3 cấp học.
- Vậy các giáo viên này sẽ được xét tuyển đặc cách như thế nào, thưa bà?
- Thành phố sẽ thực hiện 3 nội dung đặc cách. Đặc cách thứ nhất là về đối tượng: Kỳ này chỉ xét tuyển riêng cho 2.034 giáo viên này, các trường hợp khác không tham gia. Đối với các chỉ tiêu còn thiếu, sau khi xét tuyển tại kỳ xét tuyển này, thành phố sẽ tổ chức thi tuyển như một kỳ thi tuyển thông thường.
Đặc cách thứ hai là về chỉ tiêu: Tức là đáp ứng được đủ chỉ tiêu cho tất cả giáo viên, mỗi người một chỉ tiêu.
Đặc cách thứ ba là UBND các quận, huyện, thị xã sẽ tổ chức công khai toàn bộ các chỉ tiêu cho các thí sinh đăng ký. Sau khi thí sinh đã đăng ký nguyện vọng sẽ có tối đa 2 lần được thay đổi nguyện vọng (nếu nơi thí sinh đó đăng ký có số người đăng ký nhiều hơn số chỉ tiêu). Việc này giúp bảo đảm quyền lợi tối đa nhất của mỗi thí sinh, bởi nếu vào đúng chỉ tiêu thì không phải cạnh tranh.
- Bà có thể thông tin rõ hơn về trình tự xét tuyển?
- Hằng ngày, các quận, huyện, thị xã phải công khai trên website của đơn vị kết quả đăng ký chỉ tiêu để thí sinh nắm rõ thông tin về nơi nào đã có đăng ký rồi thì đăng ký vào những chỗ còn trống, tránh tình trạng bị cạnh tranh.
Hiện, Sở Nội vụ đã họp với các đơn vị để hướng dẫn thực hiện. Ngay trong ngày 12-6, Ban Chỉ đạo của UBND thành phố đã ban hành hướng dẫn tổ chức thực hiện xét tuyển giáo viên các cơ sở giáo dục trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã năm 2020 đối với các trường hợp lao động làm công việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập thuộc thành phố từ năm 2015 trở về trước.
Theo đó, từ ngày 12-6 đến 14-6, UBND quận, huyện, thị xã thông báo chỉ tiêu tuyển dụng của toàn thành phố và thời gian tiếp nhận phiếu đăng ký dự tuyển vào các chỉ tiêu tuyển dụng của đơn vị mình; từ ngày 15-6 đến 26-6, các đơn vị chốt phiếu đăng ký lần đầu; từ ngày 29-6 đến 6-7, các đơn vị chốt phiếu chuyển đổi nguyện vọng lần 1, lần 2…
Trong tháng 7 sẽ xong việc tổ chức sát hạch, dự kiến ngày 31-7 sẽ thông báo kết quả thực hành. Đầu tháng 8-2020, Hội đồng xét tuyển sẽ thông báo kết quả tuyển dụng.
- Cụ thể, các thí sinh sẽ phải trải qua sát hạch như thế nào, thưa bà?
- Đối với những đối tượng được đặc cách, ưu tiên, theo quy định, việc tuyển dụng vẫn phải thông qua sát hạch để thí sinh thể hiện kiến thức, năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ. Thành phố chọn phương án sát hạch là thực hành một tiết dạy, thí sinh đạt 50 điểm trở lên/100 điểm là trúng tuyển. Đây là phương án hợp lý, vì các giáo viên này đều có hợp đồng giảng dạy lâu năm nên qua một tiết dạy, họ sẽ thể hiện đúng các yêu cầu đối với một giáo viên đứng lớp. Hơn nữa, trước khi sát hạch, các thí sinh sẽ được ôn tập trước với phạm vi ôn tập hẹp.
- Xin bà cho biết, sát hạch bằng giảng dạy một tiết học có ưu điểm gì mà được lựa chọn để áp dụng?
- Phương án giảng dạy một tiết học đã được tham khảo ý kiến từ UBND các quận, huyện, thị xã và họ cho rằng đây là phương án vừa đúng quy định, vừa nhân văn, lại bảo đảm chất lượng giáo viên nên các đơn vị đều đồng tình. Tôi cho rằng, sát hạch bằng giảng dạy một tiết là rất phù hợp, bởi chuyên môn chính của giáo viên này là giảng dạy, lại đã có kinh nghiệm nhiều năm. Nếu trường hợp nào qua sát hạch không đạt yêu cầu thì phải chấp nhận trượt.
- Có ý kiến cho rằng, các trường hợp đã được đặc cách thì không cần trải qua sát hạch. Quan điểm của bà thế nào về việc này?
- Hiện nay, dư luận đang hiểu sai rằng được đặc cách là nghiễm nhiên được tuyển thẳng vào giáo viên. Trong khi đó, theo quy định là được ưu tiên về đối tượng, về chỉ tiêu không phải cạnh tranh, nhưng phải thông qua một kỳ sát hạch.
Cụ thể, Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29-11-2018 của Chính phủ “Sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập” quy định, quy trình xem xét tiếp nhận công chức đối với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức là: “Người đứng đầu cơ quan quản lý công chức phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch”. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng kiểm tra, sát hạch là kiểm tra về các điều kiện, tiêu chuẩn, văn bằng, chứng chỉ của người được đề nghị tiếp nhận theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển; sát hạch về trình độ hiểu biết chung và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người được đề nghị tiếp nhận.
Nghị định 161/2018/NĐ-CP cũng nêu rõ: “Hình thức và nội dung sát hạch do Hội đồng kiểm tra, sát hạch căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, báo cáo người đứng đầu cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định trước khi tổ chức sát hạch”.
Thành phố Hà Nội đã chuẩn bị các khâu, chỉ đạo tổ chức kỳ sát hạch này rất công phu, chu đáo và công khai, minh bạch, đúng tinh thần của Bộ Chính trị là ưu tiên, quan tâm, bảo đảm quyền lợi cho các giáo viên, đồng thời bảo đảm chất lượng giáo viên trên địa bàn Thủ đô.
- Trân trọng cảm ơn bà!