Nâng sức cạnh tranh từ chất lượng và uy tín

Kinh tế - Ngày đăng : 06:31, 14/06/2020

(HNM) - Đẩy mạnh thị trường nội địa là cơ hội để các doanh nghiệp của Hà Nội tái cơ cấu, tăng năng lực cạnh tranh, trong đó cốt lõi là nâng cao chất lượng và uy tín… Đó là những trao đổi của ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.

Dây chuyền sản xuất hàng xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Thái Hiền

- Ông có thể cho biết vị thế cũng như điểm mạnh, điểm yếu của hàng hóa do các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội sản xuất hiện nay?

- Trên các hệ thống phân phối hiện nay, hàng hóa do doanh nghiệp Hà Nội sản xuất chiếm khoảng 50% thị phần, tập trung vào các ngành hàng chủ lực, ngành hàng nông nghiệp công nghệ cao… Hà Nội luôn thu hút nguồn lực đầu tư lớn của xã hội, do đó chất lượng, uy tín sản phẩm do doanh nghiệp Hà Nội sản xuất ngày càng tăng. Cùng với đó, Hà Nội có 1.350 làng nghề cũng là nơi đào tạo, khởi nguồn các hoạt động khởi nghiệp, bởi vậy, nguồn hàng hóa Hà Nội sản xuất, cung ứng cho thị trường ngày càng phong phú, chất lượng. Trong đó, phải kể đến các sản phẩm, thương hiệu tiêu biểu như: May 10, M2; thuốc tân dược Traphaco, Tâm Bình; hàng gia dụng Sunhouse…

Điểm mạnh của hàng hóa do doanh nghiệp Hà Nội sản xuất là ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến hàng đầu vào sản xuất. Còn điểm yếu là doanh nghiệp chưa mạnh dạn đổi mới hình thức mẫu mã sản phẩm, chưa chủ động kết nối tới nhiều kênh phân phối khác nhau. Chưa nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh phân phối hàng hóa trên nền tảng số, thương mại điện tử, do đó đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

- Vậy các doanh nghiệp cần làm gì để phát huy thế mạnh, khắc phục điểm yếu, thu hút người tiêu dùng, thưa ông?

- Theo tôi, uy tín và chất lượng là hai yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định năng lực cạnh tranh nên các doanh nghiệp cần tập trung làm tốt. Đây là vấn đề “muôn thuở” nhưng là vấn đề cốt lõi vì hàng hóa Việt Nam tuy đã có nhiều cải tiến nhưng cần đột phá hơn nữa để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Thực tế những lô hàng đầu tiên bảo đảm khá tốt chất lượng, nhưng lô thứ 2, thứ 3 lại kém chất lượng hơn lô đầu. Đi liền với nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm phải bảo đảm uy tín trong mọi khâu như: Thanh toán, giao hàng, bảo hành…

- Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội đã hỗ trợ ra sao để cùng doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”?

- Chúng tôi đã thực hiện đồng bộ giải pháp mở rộng thị trường, phát triển sản xuất gắn với tăng cường tuyên truyền, quảng bá, nâng cao vị thế và uy tín của hàng hóa sản xuất trong nước. Nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp được tổ chức thời gian qua. Chúng tôi đã phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp... Phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội triển khai các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, chương trình hội nhập kinh tế quốc tế, sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, chương trình khuyến công, chương trình Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích với các doanh nghiệp trên địa bàn, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hiện nay, để xây dựng các chuỗi giá trị mới thay thế các chuỗi giá trị cũ, Hiệp hội và cơ quan chức năng đang hỗ trợ, tập trung kêu gọi những doanh nghiệp lớn trên địa bàn trở thành những doanh nghiệp dẫn dắt để kết nối và tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp làng nghề, khởi nghiệp...

- Hiện nay doanh nghiệp cần những hỗ trợ cụ thể nào để nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường, thưa ông?

- Doanh nghiệp cần được hỗ trợ nhiều mặt, trong đó quan trọng nhất là hỗ trợ về thể chế, chính sách. Cụ thể, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết, tạo cơ chế thông suốt, thuận tiện, mọi thủ tục hành chính giải quyết nhanh chóng, giảm bỏ thủ tục rườm rà, các chi phí không chính thức… Sự minh bạch về thông tin, thủ tục là cơ sở tạo sự cạnh tranh sòng phẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội tham gia thị trường và từng bước lớn mạnh.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Thư Hà