Đời sống

Hạnh phúc là sự cho đi...

Bảo Hân 15/06/2020 09:23

Nguyễn Thu Hiên cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn khi được làm thiện nguyện. Nhiều năm qua, việc làm của Hiên và nhóm "Cầu nối thiện tâm" đã đem đến cơ hội được cứu sống qua đói khổ, hoạn nạn, bệnh tật cho không biết bao người lâm vào khó khăn, cùng quẫn... Số tiền mà "Cầu nối thiện tâm" quyên góp để làm việc thiện ước tính trong 3 năm qua luôn đạt gần 12 tỷ đồng/năm. Nhưng với Hiên và nhóm "Cầu nối thiện tâm", điều mãn nguyện nhất là mỗi ngày lại bắc thêm những nhịp cầu thiện nguyện, lan tỏa thông điệp của sự sẻ chia, yêu thương: Hạnh phúc là cho đi!

Phành nhập viện trước đó hơn chục ngày với chẩn đoán viêm đa cơ, viêm phổi. Sau 7 lần thay huyết tương hết 140 triệu đồng cùng nhiều đợt điều trị kháng sinh, số tiền ông vay mượn khắp nơi giắt lưng mang xuống Hà Nội chữa bệnh cho con đã cạn kiệt.

Cơn đói hành hạ, ông cố nhắm mắt lại, nhưng hình ảnh căn nhà rộng chỉ 10m2 đắp đất, lợp mái rơm, nơi sinh sống của vợ và 6 người con ở quê nhà với cái nghèo quẩn quanh lại hiện ra…

Con trai ông Lâu, Chồ A Phành sau khi được giúp đỡ đã đủ kinh phí chữa bệnh.

Có người lay nhẹ vào vai, ông Lâu choàng tỉnh. Nhiều người phụ nữ trẻ, mặc áo cờ đỏ sao vàng vây quanh. Những người xa lạ này hỏi han, chia sẻ nhiều điều mà với vốn tiếng Kinh ít ỏi, ông chưa thể trả lời hết. Được họ trao vào tay số tiền 50 triệu đồng để tiếp tục nộp viện phí cho Phành, ông nghĩ mình đang trong mơ.

Bốn ngày sau, phép màu nhiệm còn trở lại khi ông tiếp tục được nhận lần ủng hộ thứ hai. Với tổng số tiền gần 85 triệu đồng, sau khi chữa trị khỏi bệnh cho A Phành, hai bố con trở về quê còn tậu được trâu bò làm kế sinh nhai.

Ngày 7-6-2020, phép màu tương tự cũng đã đến với Đinh Xuân Quân (sinh năm 1989; ở Bảo Thắng, Lào Cai). Chịu nhiều thiệt thòi từ nhỏ khi mẹ mất tích, bố mất sớm vì bệnh tật, Quân nương tựa vào ông bà nội trong căn nhà tình nghĩa được chính quyền địa phương trao tặng vì ông nội Quân là thương binh nặng.

Gia cảnh khó khăn, Quân lớn lên, không nghề nghiệp ổn định, ai thuê gì làm nấy. Chàng trai trẻ này mới lấy vợ được 5 tháng và vừa đón nhận tin vui sắp được làm cha. Vậy mà, chiều 6-6, bất hạnh ập đến khi đang sửa thuê cục nóng điều hòa, Quân ngã từ trên cao xuống, bị gãy cổ, gãy chân và nhiều thương tích nặng khác.

Theo xe cấp cứu cùng em trai mê man bất tỉnh chuyển từ Lào Cai xuống Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) trong sáng 7-6, anh Đinh Xuân Long lòng dạ rối bời. Anh không biết lấy tiền đâu chi trả cho các khoản chi phí phẫu thuật, viện phí, thuốc men, bởi Quân không có bảo hiểm y tế. Số tiền trong tài khoản của Quân lúc này chỉ có thể rút ra được 10.000 đồng. Ông nội Quân ngậm ngùi nghĩ đến cách duy nhất là bán căn nhà tình nghĩa để lấy tiền cứu cháu.

Nhóm "Cầu nối thiện tâm" giúp anh Đinh Xuân Quân.

Vậy mà chỉ vài giờ sau, anh Long đã có đủ tiền đóng viện phí, trong khi căn nhà vẫn được giữ lại. Gọi điện báo tin vui về cho ông, Long kể, các nhà hảo tâm đã đến tận giường bệnh trao 190 triệu đồng, trong đó 50 triệu đồng được trích ngay đóng viện phí. 140 triệu đồng còn lại được chuyển vào tài khoản của Quân để lo thuốc men và các đợt điều trị còn kéo dài sau này.

Khi tỉnh lại, nghe anh trai kể chuyện, Quân chưa nói được, chỉ có dòng nước mắt biết ơn lặng lẽ chảy. Quân còn được kể, những người đã giúp anh cũng mặc những chiếc áo in hình cờ đỏ sao vàng.

“Cầu nối thiện tâm” và người phụ nữ "mát tay xin tiền"

Những chiếc áo in Quốc kỳ Việt Nam được chị Nguyễn Thu Hiên lựa chọn làm đồng phục cho cả nhóm mỗi lần đi hành thiện bởi lý do đơn giản nhất, tất cả bắt nguồn từ tình yêu Tổ quốc, yêu mảnh đất hình chữ S thân thương này đến thiết tha, cháy bỏng và luôn nung nấu trong tim phải làm nhiều việc có ý nghĩa để giúp nhiều người vượt qua khó khăn, hoạn nạn.

Chị Nguyễn Thu Hiên, Trưởng nhóm "Cầu nối thiện tâm".

Thu Hiên luôn là người đầu tiên ông Cao Huy Trình, Điều dưỡng trưởng Khoa Điều trị bỏng trẻ em nhớ đến mỗi khi viện tiếp nhận bệnh nhân bị bỏng nặng, hoàn cảnh khó khăn. “Trong các nhóm thiện nguyện hoạt động tại bệnh viện thì “Cầu nối thiện tâm” hoạt động hiệu quả nhất. Nhóm trao cho các bệnh nhân ngay tại giường bệnh với thủ tục nhanh gọn, minh bạch”.

Trẻ trung, năng động ở tuổi 35 nhưng Nguyễn Thu Hiên, phụ trách truyền thông cho một tập đoàn kinh doanh vàng bạc đá quý lớn tại Hà Nội, đã có “thâm niên” hoạt động thiện nguyện đã 14 năm. Khi còn ngồi trên giảng đường, cô sinh viên Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình đã năng nổ tham gia các hoạt động xã hội từ thiện.

Từ những ngày đầu tiên ấy, Hiên đã tìm được cho mình niềm vui và cảm nhận ý nghĩa cuộc sống khi được giúp đỡ người khác. Thời điểm hiện tại, Hiên đang là vị “thủ lĩnh” của “Cầu nối thiện tâm”, nhóm hoạt động xã hội - thiện nguyện với hàng trăm thành viên, được đánh giá có uy tín, hiệu quả tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Cũng bởi cách làm thiện nguyện uy tín, minh bạch, rõ ràng như thế nên Hiên cùng các cầu nối thiện tâm khác khá “mát tay” trong việc kêu gọi, huy động các nguồn ủng hộ. Ông Chồ A Lâu không hề biết hai bố con ông được giúp trong một tình huống hoàn toàn bất ngờ.

Lần đó, Thu Hiên cùng một số thành viên “Cầu nối thiện tâm” sau khi trao quà cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai thì được nghe kể về hoàn cảnh éo le người đàn ông đã 3 ngày không ăn uống. Nhóm lập tức dùng 50 triệu đồng mang theo dự phòng để giúp hai bố con. Số tiền kêu gọi sau đó vượt thêm 34,4 triệu đồng nên nhóm đã vào trao lần hai.

Việc giúp đỡ bệnh nhân Đinh Xuân Quân cũng diễn ra suôn sẻ và chóng vánh như vậy. Chỉ sau 9 giờ kêu gọi, chị Hiên đã nhận được 190 triệu đồng ủng hộ, vượt xa so với số tiền dự định ban đầu là 80 triệu đồng.

“Ông nội cảm động lắm, cứ gặng hỏi các nhà hảo tâm giúp đỡ Quân là những ai, bởi không bao nghĩ những người xa lạ lại có thể giúp đỡ nhiều đến thế. Hiện Quân đã bình phục, tiếp tục điều trị, theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai. Vợ Quân cũng yên tâm vừa chăm chồng, vừa dưỡng thai…”, anh Đinh Xuân Long kể với sự cảm ơn sâu sắc.

“Hình ảnh ông Lâu trong màu áo xanh, mặt tái xanh, chân tay bủn rủn vì đói đến giờ vẫn ám ảnh tôi nhất. Làm được gì để giúp đỡ những hoàn cảnh éo le như thế, tôi luôn hết mình gắng sức” - Nguyễn Thu Hiên chia sẻ.

Nỗi băn khoăn của gia đình Quân cũng là suy nghĩ của hàng nghìn người đã được nhận sự giúp đỡ thiết thực và bất ngờ của “Cầu nối thiện tâm” nhiều năm qua. Nhưng, Trưởng nhóm - Nguyễn Thu Hiên - lại chỉ suy nghĩ vô cùng đơn giản: Đâu cứ những người cùng máu mủ ruột thịt mới cần được yêu thương, giúp đỡ. Bởi, giúp đỡ người khác là bổn phận của người lương thiện.

“Ban đầu, có thể tôi chưa quá nhiệt tình hay cố gắng nhưng càng tiếp xúc, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn thì lòng yêu thương và động lực mỗi ngày một nhiều hơn. Giờ đây, nhu cầu được làm việc thiện đã ăn sâu vào máu, thấy người khó khăn mà tôi không giúp đỡ được thì băn khoăn, bứt rứt, ngủ không yên…”, chị Hiên bộc bạch.

Số điện thoại riêng trở thành… “đường dây nóng”

“Nhiều người nói với tôi rằng, suốt ngày bỏ thời gian, công sức đi “xin tiền” làm từ thiện là… “hâm”. Tôi thì thấy cái “hâm” đó đáng giá lắm vì đã giúp đỡ được nhiều người. Bản thân mình cũng hạnh phúc hơn…”, chị Hiên cười vui nói.

Hạnh phúc của chị Hiên là giờ đây, số điện thoại của chị đã trở thành “đường dây nóng” quen thuộc hỗ trợ các bệnh nhân khó khăn tại các bệnh viện tại Hà Nội. Sau khi xác minh thông tin từ nhiều nguồn, chị sẽ gắng sức huy động cho đủ chi phí điều trị bệnh và trực tiếp đi trao, cùng người nhà bệnh nhân đóng viện phí.

Không chỉ nỗ lực trong việc hỗ trợ bệnh nhân nghèo, nhóm "Cầu nối thiện tâm" cũng quan tâm cả những hoàn cảnh cơ nhỡ. Đã không biết bao đêm đông, bất chấp giá rét, bất chấp những nguy hiểm rình rập khi bản thân là phụ nữ, Hiên cùng nhóm bạn vẫn ra đường, chia sẻ, tặng quần áo và chăn ấm cho người vô gia cư.

Trong khi đó, các thầy, cô giáo tại một số vùng sâu, vùng xa, miền núi phía Bắc thì đã coi “Cầu nối thiện tâm” là chỗ dựa tin cậy để bữa cơm các học sinh có thịt hay tiếp sức cho trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường.

Niềm vui của những em bé vùng cao được nhận quà.

Nhiều năm qua, 46 trẻ em mồ côi tại các tỉnh Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam đã được chị Hiên cùng các nhà hảo tâm chu cấp đều đặn sinh hoạt phí. Ngoài tiền mặt, ý nghĩa hơn là để tạo “cần câu cơm” cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đi học, nhóm còn xây nhà tình nghĩa hay tặng trâu, bò cho gia đình các cháu.

“Đàn bò được tặng dần sinh sôi, nảy nở, hiện đã lên tới hơn trăm con. Khi bê con ra đời, các thầy, cô giáo chụp ảnh gửi cả nhóm, khiến ai cũng thấy vui”, chị Hiên khoe.

Gần đây nhất, chị đã đứng ra kêu gọi đủ kinh phí để xây 6 căn nhà tình nghĩa cho các gia đình khó khăn tại Lào Cai. Từ khi nhà được khởi công đến lúc khánh thành, đón các gia đình về ở, chị Hiên cùng cả nhóm theo dõi, giám sát sát sao để những đồng tiền từ thiện được sử dụng chặt chẽ, đúng mục đích.

Trong thời gian xảy ra dịch Covid-19 vừa qua, Thu Hiên cùng cả nhóm đã kêu gọi được gần 2 tỷ đồng để hỗ trợ các y bác sĩ, bộ đội biên phòng trên tuyến đầu chống dịch tại Hà Nội, Cao Bằng và Lào Cai; tặng gần 4.000 bộ đồ bảo hộ y tế cho các y bác sĩ tại các bệnh viện và trung tâm y tế và trao hơn 500 triệu đồng chia sẻ khó khăn tới bệnh nhân "chạy thận" tại Hà Nội.

Làm việc thiện để thấy mình sống tốt đẹp hơn

Bên cạnh niềm vui nhận lại, chị Hiên cũng không ít lần cảm thấy mệt mỏi vì áp lực “xin” đủ tiền cho một trường hợp cần giúp đỡ hay sức ép cập nhật danh sách hàng trăm người ủng hộ chỉ diễn ra trong vài giờ.

Cũng có không ít người lần đầu tiếp xúc đã nghi ngờ về động cơ, mục đích làm từ thiện và đặt điều tiếng về công việc “xin tiền” của chị. Tuy nhiên, những lúc như thế, chị lại nhận được sự động viên, chia sẻ từ những người bạn cùng chí hướng, để cả nhóm chứng minh mục đích làm từ thiện vô tư, trong sáng, qua chính việc nhóm tiếp tục công việc thiện nguyện mạnh mẽ, hiệu quả hơn.

Trên trang Facebook cá nhân của Nguyễn Thu Hiên thường là các nội dung kêu gọi hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn.

Trong 3 năm qua “Cầu nối thiện tâm” quyên góp làm thiện nguyện đạt gần 12 tỷ đồng mỗi năm. Với họ, con số đó chỉ mang ý nghĩa là động lực để tích cực hoạt động hơn nữa, có thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ.

Chị tâm sự: “Mạng xã hội là thế giới ảo nhưng lại cho nhiều người cuộc sống thật. Tôi đã nhận được nhiều tình bạn đáng quý trên con đường đồng hành làm thiện nguyện với bạn bè và sự ủng hộ hết mình của gia đình, chồng con. Càng tiếp xúc, cảm nhận nỗi éo le, khó khăn của nhiều người xung quanh, tôi càng trân trọng cuộc sống đã cho mình một cơ thể lành lặn, một gia đình đủ đầy, có cơm ăn áo mặc, có công ăn việc làm…”.

Cảm nhận được hạnh phúc cuộc sống từ những điều giản dị, nhỏ bé như thế nên ở người phụ nữ có gương mặt phúc hậu, đôi mắt nâu sáng, trầm ấm này luôn tràn đầy năng lượng tích cực và lòng yêu thương con người, yêu thương cuộc đời.

Là người làm truyền thông nhưng Nguyễn Thu Hiên chưa khi nào tìm cách đánh bóng tên tuổi của bản thân hay của nhóm, bởi mục đích làm từ thiện của chị cũng như những người bạn đồng hành không phải là để lấy danh tiếng hay bất cứ tấm giấy khen, bằng khen nào.

Lý do duy nhất mà chị Hiên đồng ý chia sẻ thông tin và xuất hiện trong bài viết này là bởi hy vọng, bài báo sẽ giúp nhiều người làm cầu nối và hoạt động thiện nguyện. Bản thân chị Hiên và những người trong nhóm sẽ có thêm động lực để tiếp tục làm những công việc có ý nghĩa.

“Cho đi không nhớ, nhận lại không quên”, với tâm niệm ấy, Nguyễn Thu Hiên hạnh phúc vì điều lớn lao nhất chị nhận lại được chính là cơ hội giúp bản thân và những người xung quanh sống tốt hơn từ việc biết để trái tim rung lên những nhịp đập yêu thương, biết chia sẻ khó khăn với những người xung quanh. Và đơn giản, hạnh phúc là sự cho đi mà không đòi hỏi nhận lại điều gì.