Việt Nam có khả năng thành nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong năm 2020
Kinh tế - Ngày đăng : 12:34, 15/06/2020
Đề cập công tác điều hành xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam cũng như trên thế giới những tháng đầu năm 2020, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, thời điểm đó diễn biến xuất khẩu gạo phức tạp do các quốc gia đang trong thời kỳ chống dịch căng thẳng, khó khăn. Rất nhiều nước đang tăng mua, tăng tích trữ lương thực.
Tại Việt Nam, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bên cạnh đó là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn gây nguy cơ và tâm lý thiếu lương thực. Đặc biệt, giá gạo liên tục tăng nhanh khi hai tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng tới 31,7% so với cùng kỳ; có nguy cơ đến đầu vụ hè thu sẽ bị thiếu hụt nguồn cung lương thực.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5 để đảm bảo các nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo cũng như ổn định giá gạo trong nước và đảm bảo chủ động trong dự trữ lương thực. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện, trên cơ sở rà soát trữ lượng gạo tồn trữ ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như trên địa bàn cả nước, đồng thời, xem xét các hợp đồng gạo mà Việt Nam đã ký với nước ngoài, các bộ, ngành đã chủ động báo cáo và Thủ tướng đồng ý cho phép tiến hành kiểm tra, đánh giá lại toàn diện về các hợp đồng đã đăng ký xuất khẩu gạo cũng như hợp đồng gạo đã giao.
Nhấn mạnh sự điều hành linh hoạt của Thủ tướng và Chính phủ khi chỉ đạo quản lý xuất khẩu gạo chặt chẽ và thông qua hạn ngạch xuất khẩu gạo tạm thời là 400.000 tấn trong tháng 4, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Ngay sau đó, đánh giá có điều kiện để phát triển xuất khẩu gạo, nhất là khi giá gạo thế giới đang tiếp tục ở mức cao và tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam trong khi có đủ cơ sở để yên tâm về vụ gạo hè thu sắp tới cũng như lượng gạo tồn trữ, Thủ tướng đã thống nhất (trong cuộc họp với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các bộ, ngành) tiếp tục cho triển khai hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường trong tháng 5.
Mặc dù có một số ý kiến cho rằng điều hành chưa thực sự thông suốt nhưng kết quả của 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt cơ bản tốt; xuất khẩu 3,06 triệu tấn gạo, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch đạt 1,48 tỷ đô la Mỹ, tăng 25,44%.
Liên quan đến các dự án điện, phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, tổng sơ đồ Quy hoạch điện 7 đang bộc lộ rất nhiều vấn đề cần phải có những điều chỉnh, thay đổi để đảm bảo yêu cầu cân đối cung cấp điện cho những năm tới, đặc biệt giai đoạn 2024-2025 là giai đoạn thiếu điện. Bộ Công Thương đánh giá điện mặt trời là nguồn năng lượng quý báu để bù cho lượng điện năng thiếu hụt trong thời gian qua.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hàng loạt chính sách, cơ chế mới để đảm bảo khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển các nguồn năng lượng mới đã được Chính phủ ban hành. Ví dụ như Quyết định 11 về cơ chế khuyến khích các dự án điện mặt trời, cơ chế mua điện gió cố định (giá FIT) hay cơ chế quyết định trợ giá điện gió, đã tạo nên động lực để thu hút đầu tư mới trong phát triển năng lượng. Tuy nhiên, để bổ sung những dự án này phải đảm bảo nguyên tắc, quy định pháp lý về bổ sung quy hoạch cũng như đảm bảo nhu cầu, yêu cầu trong điều hành phát triển điện.
Đến nay, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành đã bổ sung nguồn điện mặt trời trên 10.000 MW, tiến hành vận hành 90 dự án điện mặt trời với công suất 5.000 MW. Đây chính là nguồn năng lượng quý, giúp bù nguồn thiếu hụt điện năng vừa qua. Bộ đã bổ sung quy hoạch và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho bổ sung quy hoạch 11.630 MW. Việc lựa chọn các nhà đầu tư và tổ chức thực thi là trách nhiệm và quyền hạn của chính quyền các địa phương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.