Đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sau dịch bệnh
Kinh tế - Ngày đăng : 17:40, 15/06/2020
Cần cơ chế phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp
Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có 55% doanh nghiệp tiếp tục duy trì quy mô kinh doanh như hiện nay trong quý III-2020 và 22% có ý định mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, các đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp), Bùi Sỹ Lợi (Đoàn Thanh Hóa) chỉ rõ, thực tế còn tồn tại nhiều rào cản về cơ chế, cách thức điều hành, có thể gây khó cho doanh nghiệp. Đại biểu cho rằng cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên tinh thần Chính phủ hành động, Chính phủ kiến tạo, bởi cộng đồng doanh nghiệp được xem là động lực để phát triển đất nước.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đề nghị, phải có giải pháp đặc biệt để biến các nhà đầu tư nước ngoài thành trụ cột cho các ngành sản xuất trong nước. Trong đó, Chính phủ cần lựa chọn và hỗ trợ cho một số doanh nghiệp trong nước có đủ tiềm lực để tiếp nhận, sở hữu toàn bộ hoặc một phần công đoạn sản xuất, biến các doanh nghiệp nước ngoài trở thành một phần của các tập đoàn trong nước. Đại biểu cũng cho rằng, cần tăng cường tiềm lực về nguồn vốn cho các doanh nghiệp trong nước bằng các nguồn vốn vay quốc tế.
“Để tạo bước phát triển đột phá, cần xác lập cơ chế để những quyết định dù không tuân thủ quy trình, quy định nhưng mang lại kết quả, hiệu quả cần được ghi nhận, đánh giá cao; còn những quyết định tuân thủ quy trình, quy định nhưng kết quả không cao sẽ không được coi là hoàn thành nhiệm vụ”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Còn đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) cho rằng, mặc dù từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ lãi suất điều hành nhưng tác động của chính sách này đến lãi suất trung và dài hạn vẫn chưa thực sự rõ nét. Việc cơ cấu lại nợ về thời hạn và lãi suất cũng chưa giúp tạo ra động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp. Do đó, đại biểu đề nghị, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sớm nghiên cứu ban hành gói hỗ trợ tài chính trung và dài hạn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, cho các doanh nghiệp trong các ngành du lịch, hàng không…
Nhấn mạnh việc cần tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả khâu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, cấp bách, trong đó có việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đại biểu Phan Viết Lượng (Đoàn Bình Phước) cho rằng, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm; khắc phục tình trạng “cha chung, không ai khóc”, “trên nóng, dưới lạnh”…
Duy trì nền tảng kinh tế vĩ mô
Tại phiên họp chiều nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tham gia trả lời những vấn đề đại biểu nêu.
Trước tình hình sản xuất kinh doanh, cân đối thu chi ngân sách còn khó khăn, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, công tác điều hành ngân sách nhà nước đến năm 2020 cần chú ý triển khai có hiệu quả các giải pháp tài khóa hỗ trợ sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần khôi phục sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm nhịp sống sinh hoạt bình thường của người dân... Yêu cầu đặt ra là các bộ, ngành, địa phương phải điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; rà soát để cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết.
Đồng thời, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục đẩy nhanh giải ngân, phấn đấu giải ngân hết số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2020 (bao gồm cả vốn kế hoạch năm 2019 chuyển sang) khoảng 700 nghìn tỷ đồng, bên cạnh việc tranh thủ, đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài để hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế. Các địa phương cũng cần chủ động sử dụng nguồn dự phòng, dự trữ, nguồn tăng thu ngân sách năm 2019 chuyển sang năm 2020 và nguồn lực tại chỗ để chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, an toàn trật tự trên địa bàn...
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, yêu cầu quan trọng nhất hiện nay là duy trì, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nắm bắt thời cơ thuận lợi, tận dụng các cơ hội để phục hồi, phát triển nền kinh tế. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần tập trung hỗ trợ ngay cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước vượt qua khó khăn hiện tại, nâng cao năng lực cạnh tranh, nắm bắt thời cơ từ các hiệp định thương mại tự do; đẩy nhanh việc thực hiện đa dạng hóa chiến lược tăng trưởng thông qua các hoạt động đầu tư hạ tầng giao thông, kinh tế số, an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu…
Về việc hỗ trợ các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các cấp, ngành cần triển khai quyết liệt hơn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã đề ra, đồng thời tổ chức đánh giá hiệu quả, để từ đó đề xuất điều chỉnh. Bên cạnh đó, cần cải cách hành chính một cách mạnh mẽ hơn nữa để tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trong 2 ngày thảo luận tại hội trường, đã có 82 đại biểu phát biểu ý kiến và 16 đại biểu tranh luận với nội dung phong phú, đa dạng, có tính xây dựng cao. Ý kiến của các đại biểu cơ bản ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua, đồng thời cơ bản thống nhất với nhóm giải pháp của Chính phủ về bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm nay. Các ý kiến của đại biểu sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêm túc tiếp thu và giải trình, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.