Phát huy thành công trong công tác chống dịch Covid-19
Chính trị - Ngày đăng : 14:49, 15/06/2020
Cần phát huy kết quả của công tác chống dịch bệnh
Khẳng định những thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, Việt Nam cần công bố hết dịch ở trong nước, bởi Việt Nam đã bảo đảm cả 3 tiêu chí: Người nhiễm trên 1 triệu dân không quá 5 người (hiện Việt Nam chỉ có 3,1 người nhiễm/1 triệu dân); tỷ lệ người đang điều trị không quá 1 người trên 1 triệu dân (hiện chỉ có 0,2 người/1 triệu dân); không có người chết. Đặc biệt, Việt Nam cần tập trung mở cửa theo lộ trình và có sự giám sát chặt chẽ với 17 đối tác quan trọng, trong đó có 10/17 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cơ bản khống chế được dịch, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc), Đức, Australia…
Khẳng định các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 vừa có tầm vĩ mô vừa rất sát thực tiễn, điểm nhấn là sớm nhìn nhận đúng bản chất tầm nguy hiểm của dịch bệnh để làm cơ sở cho việc ban hành các giải pháp, thể hiện sự nhạy bén, kịp thời của Chính phủ, song đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) bức xúc về hiện tượng trục lợi trong giai đoạn dịch bệnh và đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) đề nghị, trong khi dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp thì cần tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp hơn, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Về giải pháp phục hồi trong giai đoạn “hậu Covid”, đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) đề xuất một số nội dung cụ thể, trong đó đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ: Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu mô hình đào tạo trực tuyến tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; hoàn thiện các thể chế liên quan đến đào tạo trực tuyến; đầu tư nguồn lực để phát triển hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin, trong đó có cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và các vùng kinh tế khó khăn. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp, ngành giảm bớt các thủ tục hành chính để giúp các cơ sở giáo dục mầm non tư thục sớm tiếp cận được các gói tín dụng, bổ sung các gói hỗ trợ thất nghiệp cho đối tượng giáo viên mầm non tư thục bị mất việc sau đại dịch Covid-19…
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, những thành công của ngành Y tế Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19 rất rõ rệt và khiến thế giới ngưỡng mộ. Đại biểu đề nghị cần khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt trong công tác phòng, chống dịch.
Bên cạnh việc đánh giá cao công tác điều hành của Chính phủ thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Đoàn Nghệ An) lại bày tỏ băn khoăn về một số vấn đề diễn ra trong nhiều năm nhưng thiếu các giải pháp căn cơ để giải quyết hiệu quả, như: Cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm, giải ngân đầu tư công chưa đạt yêu cầu; tình trạng nợ đọng văn bản; vấn đề ô nhiễm môi trường; vấn đề tham nhũng, trục lợi chính sách… Đại biểu kiến nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, có biện pháp chấn chỉnh để khắc phục tình trạng này, trên cơ sở sắp xếp hệ thống tổ chức tinh gọn, khoa học, siết chặt kỷ luật, kỷ cương để lựa chọn đội ngũ cán bộ bảo đảm chất lượng, phát huy được vai trò người đứng đầu.
Tích cực triển khai nhiều giải pháp
Cũng tại phiên thảo luận sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã tham gia trả lời, làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam được nhận định có khả năng trở thành nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong năm 2020. “5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 3,06 triệu tấn gạo, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch đạt 1,48 tỷ USD, tăng 25,44%”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Thông tin về tình hình giải ngân các dự án trọng điểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, năm 2020, Bộ được giao 37.500 tỷ đồng, đến ngày 30-5 đã giải ngân được 12.000 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm trước 10% và cao hơn bình quân cả nước. Bộ trưởng tin tưởng tình hình xây dựng cơ bản của Bộ sẽ có chuyển biến tốt.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng giải đáp khá chi tiết về tình hình giải ngân đối với từng dự án: Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông; sân bay quốc tế Long Thành; tình hình phát triển giao thông, vận tải sắp tới đối với từng khu vực trong cả nước.
Trong đó, đối với khu vực Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng đường vành đai 4, 5 kết nối với nhiều tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Với khu vực phía Đông của Hà Nội, trước mắt sẽ được đầu tư để hoàn thành cao tốc tới cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, các đoạn cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, đường ven biển đồng bằng Bắc Bộ. Tại khu vực phía Tây Bắc, Bộ sẽ nghiên cứu triển khai xây dựng cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu...
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã thông tin về những tín hiệu mừng khi nhiều chỉ số liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường tăng: Mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với lĩnh vực này tăng 13% so với năm 2016; Bộ Tài nguyên và Môi trường nằm trong tốp 10 về Chỉ số cải cách hành chính…
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, quan điểm, chủ trương chỉ đạo chung về đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển và không hy sinh môi trường vì kinh tế. Trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng đã có nhiều vấn đề rất cụ thể như xử lý nước thải, nước sinh hoạt… Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thực hiện “chống ô nhiễm môi trường như chống giặc”.
Tại phiên thảo luận, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã tóm tắt lại vụ án Hồ Duy Hải và khẳng định, Hồ Duy Hải đã nhiều lần nhận tội. Sau phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, Hải đều không kêu oan mà chỉ xin giảm nhẹ hình phạt.
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường.