Cùng vượt qua thách thức

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:11, 16/06/2020

(HNM) - Thời gian qua, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế nói chung, thu ngân sách nhà nước nói riêng. Giống như các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, Hà Nội đang đối mặt với không ít thách thức trong việc hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước của năm nay.

Nhìn vào số thu 5 tháng đầu năm 2020, tổng thu ngân sách trên địa bàn Hà Nội chỉ đạt 37% dự toán năm, bằng 93,4% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, nhiệm vụ đặt ra về thu ngân sách nhà nước những tháng còn lại của năm 2020 là hết sức nặng nề, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại toàn cầu, ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu…

Trước những khó khăn đang đặt ra, nếu không có những giải pháp khắc phục hiệu quả, dự báo năm nay thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội giảm hơn 33.000 tỷ đồng. Để bảo đảm cân đối ngân sách, ứng phó kịp thời với khả năng giảm thu, ngoài sự nỗ lực của thành phố và các cấp, ngành, đòi hỏi sự chung tay nhiều hơn nữa của các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Trước hết, các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện tốt Thông báo số 2580-TB/TU ngày 5-5-2020 của Thành ủy Hà Nội về kết luận của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng UBND thành phố về cân đối thu, chi ngân sách thành phố năm 2020; Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 1-6-2020 của UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai một số nhiệm vụ tài chính - ngân sách trong điều kiện ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, yêu cầu trọng tâm là thu ngân sách phải bảo đảm “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, các cấp, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện hiệu quả những cơ chế, chính sách hỗ trợ hiện hành để doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, từ đó tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước. Song song là cần triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý nguồn thu như: Chống chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế...; tăng cường thanh tra, kiểm tra không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách để trốn, chây ỳ, nợ thuế. 

Quá trình triển khai kế hoạch thu ngân sách từ nay đến cuối năm, các cơ quan chức năng, địa phương cần nắm chắc tình hình, đưa ra những dự báo, đánh giá về thu, chi để bảo đảm cân đối, phấn đấu có khoản thu cao nhất trên cơ sở khai thác hết dư địa; chú trọng đến việc khai thác các nguồn thu khác để bù đắp hụt thu, như thu từ các doanh nghiệp trung ương trên địa bàn, các khoản thu phí, lệ phí liên quan đến đất đai, tiền sử dụng đất, bãi đỗ xe...

Thực tế cho thấy, khi doanh nghiệp “không khỏe” thì thu ngân sách cũng bị tác động ngay lập tức. Do vậy, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động thích ứng với thời cuộc. Thời điểm này là dịp để các doanh nghiệp có thể tập trung đổi mới phương pháp quản lý, trang thiết bị, công nghệ với chi phí rẻ hơn; đồng thời thúc đẩy liên kết, xây dựng mạng lưới cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài, nâng cao chất lượng, giảm giá sản phẩm để tận dụng cơ hội chiếm lĩnh và củng cố thị phần... 

Với sự vào cuộc quyết liệt của thành phố, chính quyền các địa phương, cùng sự chung tay, góp sức vượt qua thách thức của các cơ quan chức năng, sự nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp, tin rằng, thu ngân sách nhà nước của Hà Nội năm 2020 sẽ đạt mức cao nhất. 

Quỳnh Anh