Mỹ ngừng sử dụng thuốc chữa sốt rét trong điều trị bệnh nhân Covid-19

Thế giới - Ngày đăng : 06:36, 16/06/2020

(HNMO) - Ngày 16-6, theo AP,  Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thông báo rút lại cấp phép ủy quyền sử dụng khẩn cấp đối với các loại thuốc chữa sốt rét trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 do ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những loại thuốc này không có hiệu quả trong điều trị, ngược lại có thể có những tác dụng phụ gây chết người.

WHO đã thông báo hơn 100 ca mắc Covid-19 mới tại Bắc Kinh  (Trung Quốc).

Trong một thông báo, FDA cho hay hai loại thuốc chữa sốt rét là hydroxychloroquine và chloroquine dường như không có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân Covid-19. Trích dẫn báo cáo về các biến chứng tim, FDA khẳng định những loại thuốc này gây rủi ro lớn hơn cho các bệnh nhân hơn bất kỳ lợi ích tiềm năng nào. Các loại thuốc này có thể gây ra các vấn đề về nhịp tim, huyết áp thấp nghiêm trọng và tổn thương cơ hoặc thần kinh. Với thông báo này, các lô thuốc của chính phủ liên bang sẽ không được phân phối tới các cơ quan y tế địa phương và bang.

Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tạm ngừng thử nghiệm lâm sàng hydroxychloroquine để tìm ra loại thuốc giúp điều trị bệnh Covid-19. Quyết định trên được đưa ra sau khi một nghiên cứu được đăng trên tạp chí y khoa The Lancet tuần trước cho biết, thuốc hydroxychloroquine có thể làm tăng nguy cơ tử vong cho các bệnh nhân Covid-19.

Trong khi đó, số ca mắc Covid-19 ở một số nước vẫn tiếp tục tăng mạnh.

Bộ Y tế Brazil cho biết, nước này đã ghi nhận thêm 20.647 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh lên 888.271 người, trong khi số ca tử vong do căn bệnh này cũng tăng thêm 627 người lên tổng số 43.959 người. Brazil hiện là quốc gia có số người nhiễm và tử vong do Covid-19 cao nhất Mỹ Latinh và đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ.

Cùng ngày, WHO thông báo nhà chức trách Trung Quốc đã chính thức ghi nhận hơn 100 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong một đợt bùng phát dịch bệnh mới ở Bắc Kinh. Nguồn gốc và quy mô đợt dịch này đang được điều tra.

Bộ Y tế Ai Cập thông báo, nước này đã ghi nhận thêm 1.691 ca nhiễm  vi rút SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở quốc gia Bắc Phi này lên tới 46.289 người. Ngoài ra, có thêm 97 bệnh nhân tử vong do Covid-19 và tính đến nay tổng số ca tử vong do căn bệnh nguy hiểm này đã lên đến 1.672 người. Đây cũng là con số tử vong cao nhất được ghi nhận trong một ngày kể từ khi bùng phát dịch. 

Iran cảnh báo có thể sẽ tái áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để đảm bảo giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn đà lây lan dịch bệnh sau khi quốc gia này ngày thứ hai liên tiếp ghi nhận hơn 100 ca tử vong vì dịch bệnh.

Tại Ấn Độ, chính quyền thành phố Chennai với 15 triệu dân, thủ phủ bang Tamil Nadu, thông báo sẽ tái áp đặt biện pháp phong tỏa từ ngày 19-6. Thông báo mới của chính quyền bang Tamil Nadu nêu rõ biện pháp phong tỏa hoàn toàn sẽ được kéo dài đến hết tháng bao gồm cả các huyện lân cận như Thiruvallur, Chengalpet và Kanchipuram. 

Tại châu Âu, nhiều quốc gia tiếp tục nới lỏng một số biện pháp kiểm soát biên giới nhưng Tây Ban Nha vẫn đóng cửa biên giới, một loạt biện pháp hạn chế ở nhiều nơi khác và các cách thức hoạt động mới cho thấy còn lâu nữa mới khôi phục được mức độ đi lại như trước khi đại dịch bùng phát. 

Anh cũng đang tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Tuy nhiên, Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Klug khuyến cáo, nước này vẫn trong giai đoạn đại dịch hoành hành, do đó không nên vội vàng mở cửa trở lại nền kinh tế. 

Bộ Y tế Pháp kêu gọi người dân vẫn tiếp tục duy trì cảnh giác trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường dù nước này đã vượt qua giai đoạn đỉnh dịch.

Tính đến 6h ngày 16-6, thế giới ghi nhận 8.102.080 ca mắc Covid-19, trong đó có 438.398 ca tử vong.

Quỳnh Dương