Nhà báo Phan Quảng - một tấm gương xông pha, dũng cảm

Văn hóa - Ngày đăng : 19:19, 16/06/2020

(HNNN) - Tự “tổng kết” quá trình công tác của mình, chiến sĩ cách mạng, nhà báo Phan Quảng cho rằng, điều khiến ông tâm đắc nhất là được trực tiếp tham gia hai cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc, và điểm sáng trong 5 năm làm báo là góp phần làm cho hình ảnh “cô gái Suối Hai” trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Nhà báo Phan Quảng (Phan Văn Quảng, 1927-2001) quê ở thôn Quỳnh Đô (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông tham gia cách mạng ngày 14-7-1945. Ngày 19-8-1947, ông được kết nạp Đảng (theo sách Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Vĩnh Quỳnh 1930 - 2018, trang 60). Biệt danh “Hùm xám Vĩnh Quỳnh” gắn với sự gan dạ, dũng cảm, mưu trí của chính trị viên xã đội Phan Quảng. Từ năm 1947 đến năm 1950, ông có hai lần bị giặc bắt, lần đầu ông nhanh chóng trốn thoát, còn lần thứ hai thì bị giam tại Nhà Tiền (sau là nơi đặt Nhà máy In Tiến Bộ), đến năm 1954 mới được thả ra.

Theo sách Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Vĩnh Quỳnh 1930 - 2018, trang 258: Phan Văn Quảng làm Bí thư Chi bộ (khi đó là xã Đại Hưng) từ tháng 1-1957 đến tháng 7-1959. Tháng 8-1959, ông được điều động làm cán bộ Ban Tuyên huấn (nay là Ban Tuyên giáo) huyện Thanh Trì.

Năm 1960, Phan Quảng trở thành phóng viên Tờ tin Hà Đông. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Ngọc Linh, nguyên Giám đốc Nhà Triển lãm Hà Tây, khi đó đang phụ trách kỹ thuật của Công ty Nhiếp ảnh Hà Đông, kể rằng: Phan Quảng được phân công làm phóng viên ảnh nhưng chưa hề có vốn kỹ thuật, nghiệp vụ, tuy nhiên Phan Quảng rất chịu khó học hỏi nên nhanh chóng nắm được kỹ thuật cơ bản và chăm chỉ thực hành. Đến năm 1965, khi hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây sáp nhập thì Phan Quảng trở thành phóng viên ảnh của Báo Hà Tây.

Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược bắt đầu, Phan Quảng cùng với cây bút trẻ Đắc Hanh được bố trí “theo” Cụm chiến đấu Suối Hai gồm 3 xã Phú Mỹ (huyện Quảng Oai), Cẩm Lĩnh (huyện Bất Bạt), Thụy An (huyện Tùng Thiện). Ngày 24-7-1965, máy bay Mỹ bắt đầu xâm phạm vùng trời Suối Hai. Các trận địa phòng không của bộ đội và dân quân được lệnh nổ súng, góp phần để bộ đội tên lửa ra quân tiêu diệt hai máy bay địch.

Ngày 27-7-1965, Mỹ tiếp tục cho nhiều tốp máy bay cường kích F-105 đánh phá ác liệt khu vực Suối Hai. Chỉ riêng xã Thái Hòa và Cẩm Lĩnh đã hứng chịu 80 quả bom phá và hàng chục quả bom bi của giặc làm đổ nát hàng chục ngôi nhà, 2 người chết và 15 người bị thương... Dân quân các xã phối hợp chặt chẽ, đồng loạt nổ súng, bắn rơi 5 máy bay địch. Phan Quảng chụp được ảnh chiếc máy bay không người lái bị bắn rơi trên bầu trời Suối Hai.

Từ ngày 9-9 đến ngày 16-9-1965, máy bay Mỹ ném khoảng 250 quả bom xuống khu vực Suối Hai, làm cháy nhiều nhà, thêm 3 người chết, 8 người bị thương... Phan Quảng cùng đồng nghiệp luôn có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất, vừa tham gia bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân vừa đưa tin, bài, ảnh về các lực lượng vũ trang, nhất là gương người tốt, việc tốt để khích lệ tinh thần chống Mỹ cứu nước.

Nhà báo Đắc Hanh kể: Trong trận chiến đấu ngày 12-9-1965, khi máy bay Mỹ bổ nhào, cắt bom, Phan Quảng chọn vị trí để chụp cảnh này thì bị thương. Ông bảo anh em tải thương chuyển những người bị nặng hơn về trước và nhờ đồng nghiệp xử lý cuốn phim chụp dở. Sau đó ông được phẫu thuật 3 lần chỉ trong 5 ngày, phải cắt bỏ chân trái... Nghệ sĩ Thái Ngọc Linh kể: “Khi nhận phim của Phan Quảng, tôi đã cố gắng xử lý nhưng rất tiếc là chỉ được vài bức, còn bức hình máy bay Mỹ bổ nhào, cắt bom thì bị đen, không dùng được. Rất mừng là Báo Nhân Dân số ra ngày 16-9-1965 đã giới thiệu 3 bức ảnh của Phan Quảng về chiến thắng này”.

Nhà báo Phan Quảng trao tặng phẩm cho nhà báo Schubert (Đức) năm 1990. Ảnh tư liệu của nhà báo Đào Ngọc Chung.

Với thành tích đánh thắng giòn giã trận đầu, tỉnh Hà Tây được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Cờ luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Nhà báo Phan Quảng cũng được nhận phần thưởng cao quý. Sách Bách khoa thư Hà Nội, phần Hà Nội mở rộng, trang 406 và 407 có ghi: “Anh là người đầu tiên của giới báo chí miền Bắc bị trọng thương. Gương dũng cảm của Phan Quảng đã được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người ngày 2-10-1965 trong khi anh đang nằm điều trị tại bệnh viện”. Sau đó, ông được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Trong những năm làm báo, nhà báo Phan Quảng có vinh dự 3 lần được gặp Bác Hồ, được chụp ảnh Bác thăm xã Đại Nghĩa (Mỹ Đức), xã Nghiêm Xuyên (Thường Tín) và xã Hồng Dương (Thanh Oai).

Theo nhà báo Vương Thu, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Tây, Phan Quảng là người rất nhiệt tình trong công tác, dù là phóng viên hay sau này làm trị sự. Năm 1988, ông nghỉ hưu, được tín nhiệm “đứng mũi chịu sào” về công tác Đảng ở địa phương trong hai nhiệm kỳ. Ông Trần Hữu Tài, 72 tuổi (53 năm tuổi Đảng), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Quỳnh nhận xét: “Dù là thương binh nặng nhưng ông Quảng rất xông xáo trong mọi việc, xứng đáng là người đứng đầu. Bằng nhiệt huyết, cách làm đúng, ông đã vãn hồi tình hình và làm cho địa phương vững mạnh. Chúng tôi lấy đó làm gương để cùng đưa tập thể tiến lên!”.

Kỹ sư lâm nghiệp Phan Mạnh Cường, con trai nhà báo Phan Quảng, kể rằng: “Bố tôi thường nhắc đi nhắc lại điều tâm đắc nhất là được trực tiếp tham gia hai cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc và điểm sáng trong 5 năm làm báo là góp phần làm cho hình ảnh “cô gái Suối Hai” (ở đầu tỉnh, cùng với hình ảnh “chàng trai Cầu Giẽ”, huyện Phú Xuyên, ở cuối tỉnh) trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Mình noi theo tấm gương đó nên chẳng từ nan bất cứ việc gì!”.

Lam Ðiền