Cộng đồng trách nhiệm

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 17/06/2020

(HNM) - Xác định tạo thuận lợi về mặt bằng sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và cơ sở sản xuất là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn, thời gian qua, Hà Nội đã tiến hành quy hoạch và từng bước xây dựng mạng lưới cụm công nghiệp đáp ứng nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Nhiều cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động trên địa bàn thành phố cơ bản được lấp đầy, giải quyết việc làm cho người lao động, đồng thời đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế của Thủ đô.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những dự án phát triển cụm công nghiệp không đạt tiến độ đề ra (trong số 19 cụm công nghiệp được thành lập từ năm 2018 đến nay thì có đến 15 cụm chậm tiến độ). Đây là lý do căn bản khiến nhu cầu về mặt bằng sản xuất của người dân, doanh nghiệp chưa được giải quyết triệt để, gây trở ngại cho hoạt động thu hút đầu tư.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên một phần thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương khi công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, giải quyết thủ tục hành chính tốn nhiều thời gian, quy hoạch bị thay đổi… Một phần trách nhiệm rất lớn khác thuộc về các chủ đầu tư trong việc tổ chức triển khai thực hiện không đúng tiến độ đề ra. Hiện các ngành chức năng và địa phương đang phối hợp chặt chẽ, tập trung khắc phục những tồn tại, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án đã phê duyệt; đồng thời tiếp tục hoàn thiện 23 hồ sơ cụm công nghiệp để kêu gọi đầu tư.

Dịch Covid-19 tại nước ta được khống chế là điều kiện thuận lợi cho khôi phục sản xuất, kinh doanh, thu hút làn sóng đầu tư mới vào địa bàn thành phố Hà Nội. Yêu cầu hiện nay là chính quyền các địa phương cùng các ngành chức năng cần nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án, sớm hỗ trợ doanh nghiệp có mặt bằng để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Từng sở, ngành, địa phương cần tập trung giải quyết nhanh, gọn, đúng quy định các thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính liên quan… Cùng với việc công khai quy hoạch cụm công nghiệp, các quận, huyện, thị xã cần tăng cường đôn đốc, kiểm tra dự án đang xây dựng hạ tầng; đề xuất biện pháp xử lý kiên quyết đối với chủ đầu tư để chậm tiến độ.

Ngoài ra, chính quyền cơ sở cần thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, niêm yết công khai các chủ trương, chính sách của Nhà nước, thành phố về quy hoạch cụm công nghiệp; chính sách giải phóng mặt bằng… để người dân nắm bắt, đạt được sự đồng thuận. Đặc biệt phải cung cấp những thông tin, giúp người dân hiểu rõ khi dự án đi vào hoạt động họ sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm, kinh tế - xã hội của địa phương phát triển...

Với các chủ đầu tư, phải tập trung nguồn lực tài chính, con người, trang thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công theo kế hoạch. Vấn đề cần lưu tâm là quá trình xây dựng, phát triển dự án phải thực hiện đúng quy hoạch, quy định về diện tích xây dựng nhà máy, công trình giao thông, hệ thống cây xanh… Bên cạnh đó, các nhà đầu tư, chủ cơ sở sản xuất phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Mỗi người dân có đất nằm trong dự án cụm công nghiệp cần nắm bắt thông tin đầy đủ, chính xác về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, ủng hộ chủ trương, chính sách của Nhà nước để dự án sớm hoàn thiện, đi vào hoạt động.

Các cấp, ngành, địa phương và mỗi người dân cùng cộng đồng trách nhiệm ở mức cao nhất sẽ là “đòn bẩy” bảo đảm sớm hình thành nên các cụm công nghiệp - nơi tạo mặt bằng cho các nhà đầu tư để góp phần phát triển kinh tế của Thủ đô.

Chí Kiên