Thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực tăng độ phủ bảo hiểm y tế

Xã hội - Ngày đăng : 06:55, 17/06/2020

(HNM) - Số tiền 600.000-700.000 đồng/tháng/người không lớn với nhiều người, nhưng nếu dùng để mua bảo hiểm y tế thì khi gặp bệnh hiểm nghèo, số tiền này lại mang lại những giá trị vô cùng to lớn. Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến hết năm 2020 có hơn 90% số người dân tham gia bảo hiểm y tế và đang nỗ lực để đạt độ bao phủ cao nhất.

Bệnh nhân đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa Bình Tân (thành phố Hồ Chí Minh).

Nhiều lợi ích

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy của thành phố Hồ Chí Minh có ít nhất 2 trường hợp bệnh nhân nghèo mắc bệnh nặng, được thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) với số tiền lên đến nhiều tỷ đồng. Đó là bệnh nhân Danh Văn, điều trị căn bệnh máu khó đông với chi phí lên đến gần 10 tỷ đồng. Rất may, anh Văn tham gia BHYT nên được quỹ chi trả tới 80%, tương đương 7,9 tỷ đồng. Còn bệnh nhân Phan Hữu Nghiêm, điều trị căn bệnh liên quan đến di truyền hơn 10 năm qua, viện phí lên đến vài chục tỷ đồng, nhưng cũng được BHYT thanh toán phần lớn số tiền này. "Không có BHYT, chắc con tôi không đủ tiền để chữa trị!", bà Trần Thị Mai, 67 tuổi, mẹ của bệnh nhân Phan Hữu Nghiêm xúc động nói.

Không chỉ với những căn bệnh đặc biệt mà ngay những căn bệnh thông thường, người có thẻ BHYT cũng được thụ hưởng những lợi ích lớn. Mới đây, em Lê Văn Tiến, học sinh Trường Trung học cơ sở Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi) bị sốt xuất huyết phải đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu. Sau khi được lọc máu và điều trị phục hồi chức năng gan thận, chi phí hết khoảng 400 triệu đồng, Tiến mới hồi phục. Anh Lê Văn Thịnh, bố của Tiến chia sẻ: “Chi phí khám, chữa bệnh cho cháu tốn kém, nhưng rất may cháu có thẻ BHYT nên gánh nặng của gia đình tôi vơi đi phần nào”.

Theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mến, hiện thành phố có 7,5 triệu người tham gia BHYT, đạt gần 89% diện bao phủ. "Lợi ích của BHYT với người dân là rất lớn. Chúng tôi phấn đấu trong năm 2020, nâng diện bao phủ BHYT lên 90,7%, tương đương 8,1 triệu người tham gia", ông Phan Văn Mến cho biết.

Thu hút người dân tham gia

Để thực hiện mục tiêu nâng diện bao phủ BHYT lên 90,7%, Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh xác định công tác truyền thông, vận động doanh nghiệp và người dân tham gia BHYT là rất quan trọng. Trong đó, Bảo hiểm xã hội thành phố sẽ chú trọng các đối tượng người tham gia BHYT tại doanh nghiệp, trường học và hộ gia đình.

Để nâng số người tham gia BHYT tại các doanh nghiệp, Bảo hiểm xã hội thành phố sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt các doanh nghiệp chưa tham gia hoặc nợ đóng BHYT của người lao động. Ông Phan Văn Mến thông tin: “Năm 2019, chúng tôi đã chuyển hồ sơ 70 doanh nghiệp nợ đọng Bảo hiểm xã hội, BHYT... sang cơ quan Công an xem xét, xử lý. Sau khi chuyển, đã có 6 doanh nghiệp thanh toán dứt điểm nợ và 64 doanh nghiệp khắc phục một phần nợ, tổng số tiền khắc phục nợ là 46 tỷ đồng. Năm nay, chúng tôi vẫn quyết liệt xử lý để đạt được mục tiêu có thêm 300.000 công nhân tham gia BHYT”.

Với BHYT hộ gia đình, hiện thành phố đã đạt tỷ lệ tham gia gần 90%. Thực hiện quy định mới về bổ sung đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình là chức sắc, chức việc, nhà tu hành và người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội nhưng không được ngân sách hỗ trợ đóng BHYT, Bảo hiểm xã hội thành phố tăng cường tuyên truyền, vận động để đến hết năm 2020, sẽ có thêm 300.000 người tham gia. Song song với đó, từ tháng 4-2020, BHXH thành phố đã kết hợp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai phần mềm nộp tiền gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình, giúp người dân không phải đi lại nhiều để thực hiện các thủ tục như trước đây. Chị Thái Thị Bích Thảo (trú tại quận Phú Nhuận) cho biết: "Thuận tiện lớn nhất là chúng tôi có thể ở nhà mà vẫn nộp được tiền để tham gia BHYT".

Còn tại các cơ sở giáo dục, hiện còn khoảng 3% sinh viên chưa tham gia BHYT, tương đương khoảng 150.000 em vì một số trường ngoài công lập chỉ tập trung thu những sinh viên năm đầu mà bỏ sót sinh viên năm cuối. Khắc phục hạn chế này, cán bộ cơ quan Bảo hiểm Xã hội sẽ đến các trường cao đẳng, đại học có tỷ lệ tham gia BHYT thấp để đối thoại trực tiếp với sinh viên, vận động các em tham gia BHYT. Việc thu BHYT học sinh - sinh viên cũng linh hoạt theo các mức đóng 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng để tạo điều kiện cho các em. Mục tiêu là đến cuối năm 2020, sẽ đạt chỉ tiêu 100% học sinh, sinh viên thành phố có BHYT.

Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội thành phố phối hợp với Sở Y tế công khai danh sách 145 cơ sở y tế trong thành phố thực hiện khám, chữa bệnh ban đầu cho người có BHYT. Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh nhấn mạnh: "Sở Y tế yêu cầu và giám sát các cơ sở này bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh, tăng cường sự tin tưởng của người có BHYT".

Hà Tuấn