Cửa hàng kinh doanh không thiết yếu hoạt động sau 9h sáng: Duy trì để giảm ùn tắc giao thông
Đời sống - Ngày đăng : 06:20, 17/06/2020
Bà Hoàng Hoài Loan, Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa:
Lợi ích "kép"
Phường Ô Chợ Dừa có gần 800 cơ sở kinh doanh mặt hàng không thiết yếu. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới theo Chỉ thị 07/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội, UBND phường đã tổ chức dán thông báo chỉ mở cửa sau 9h sáng tại các cửa hàng kinh doanh không thiết yếu. Hơn một tháng qua, phường thường xuyên tuyên truyền đến những hộ kinh doanh các biện pháp vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, lực lượng chức năng phường thường xuyên kiểm tra, giám sát để bảo đảm các cửa hàng kinh doanh dịch vụ không thiết yếu mở cửa đúng giờ theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố. Đây là việc làm mang lại lợi ích “kép”, vừa bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch, vừa hình thành thói quen mới cho các hộ kinh doanh và người dân, nhằm góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm buổi sáng.
Bà Đào Thị Hiên, chủ cửa hàng chay Gieo Duyên số 2, ngõ 86 phố Chùa Hà, quận Cầu Giấy:
Nên duy trì vì lợi ích chung của cộng đồng
Cửa hàng của tôi luôn thực hiện việc mở cửa sau 9h sáng hằng ngày, đồng thời, chúng tôi duy trì việc nhắc nhở khách hàng đến mua bán, ăn uống tại cửa hàng phải rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn.
Trên thực tế, việc mở cửa sau 9h sáng tuy làm giảm một phần doanh thu của cửa hàng, song bù lại nhân viên không phải thức khuya, dậy sớm. Nếu toàn bộ các hộ kinh doanh mặt hàng không thiết yếu đồng loạt mở cửa sau 9h sáng sẽ tạo được sự chênh lệch thời gian hoạt động, làm việc của các lực lượng lao động trong xã hội. Qua đó giảm được sự tập trung đông đúc của người dân và phương tiện tham gia giao thông cùng ra đường vào một thời điểm, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Với những mặt tích cực đó, quy định về mở cửa hàng kinh doanh không thiết yếu sau 9h sáng nên được duy trì để bảo đảm lợi ích chung cho cộng đồng.
Đại úy Đỗ Quốc Minh, Phó trưởng Công an phường Trúc Bạch, quận Ba Đình:
Góp phần chống quá tải giờ cao điểm
Ngay sau khi có Chỉ thị 07/CT-UBND, Công an phường Trúc Bạch đã tham mưu với UBND phường gửi thông báo và đề nghị các hộ kinh doanh mặt hàng không thiết yếu ký cam kết mở cửa sau 9h sáng và không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, gây ùn tắc giao thông.
Thực tế cho thấy, trong giai đoạn đầu thực hiện Chỉ thị, các hộ kinh doanh chấp hành khá tốt việc mở cửa hàng sau 9h sáng nên hiện tượng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm được hạn chế. Do vậy, đây cũng là cơ sở để thành phố tiếp tục duy trì, điều chỉnh hợp lý giờ giấc hoạt động của một số loại hình kinh doanh trong thời gian tới, góp phần giảm thiểu tình trạng quá tải trong giờ cao điểm. Để làm tốt việc này, chính quyền địa phương, cơ quan hữu trách cần tăng cường tuyên truyền để người dân ủng hộ, góp phần hình thành nếp văn hóa kinh doanh mới của Thủ đô.
Bà Hoàng Thị Dương, thôn Đản Dị, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh:
Một giải pháp hữu hiệu nhằm giảm ùn tắc giao thông
Những ngày qua, nhiều chủ cơ sở kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu đã xuất hiện tâm lý chủ quan, mở cửa từ sáng sớm, tình trạng hàng quán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè lại tái diễn; ùn tắc giao thông liên tục diễn ra trên nhiều tuyến đường...
Theo tôi, nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, thành phố cần duy trì, thực hiện nghiêm quy định cấm cửa hàng không thiết yếu mở cửa trước 9h sáng. Kinh nghiệm tại một số nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines... cho thấy, việc điều chỉnh lại giờ làm việc tại các công sở, giờ mở cửa của một số loại hình kinh doanh không thiết yếu đã đem lại hiệu quả trong việc giảm ùn tắc giao thông. Ở nước ta, hiệu quả đó cũng đã được khẳng định phần nào trong khoảng thời gian các hộ kinh doanh tuân thủ việc giãn cách xã hội, vì thế, quy định này cần duy trì, đẩy mạnh thực hiện hơn nữa. Đặc biệt, nên xem đây là giải pháp chống ùn tắc giao thông trước mắt cũng như lâu dài, tạo thành nếp sống mới của người dân.