Xây dựng các dự án cụm công nghiệp: Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ
Kinh tế - Ngày đăng : 06:11, 17/06/2020
Vẫn còn những tồn tại, bất cập
Mặc dù có quyết định thành lập từ giữa năm 2018, với diện tích khoảng 211.000m2, nhưng đến nay, dự án Cụm công nghiệp Thiết Bình (xã Vân Hà, huyện Đông Anh) vẫn chưa có mặt bằng. Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Anh Hoàng Văn Thùy, dự kiến đến tháng 9-2020, huyện sẽ hoàn thiện, công khai phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tháng 10-2020 sẽ trả tiền bồi thường, hỗ trợ đợt I tới các hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi trong phạm vi dự án.
Tương tự, huyện Phú Xuyên có 3 dự án cụm công nghiệp tại các xã: Phú Yên, Đại Thắng, Phú Túc, nhưng đến nay cả 3 dự án đều chậm tiến độ. Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Phú Xuyên Nguyễn Quang Khải thông tin, bên cạnh việc điều chỉnh quy hoạch và khó khăn trong giải phóng mặt bằng, nguyên nhân còn do các chủ đầu tư chưa thực sự quyết tâm đẩy nhanh tiến độ. Cũng với nguyên nhân trên, việc thi công hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Đình Xuyên (huyện Gia Lâm - quy mô 7,81ha) đã chậm 12 tháng so với kế hoạch...
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, ngoài 5 cụm công nghiệp nêu trên được thành lập từ năm 2018, trên địa bàn thành phố còn 14 cụm công nghiệp được thành lập năm 2019 và 2020 (năm 2019 phê duyệt 13 cụm công nghiệp). Tuy nhiên, đến nay mới có 4/14 cụm công nghiệp bảo đảm tiến độ; 10 cụm còn lại tiến độ còn chậm so với yêu cầu đề ra.
Về nguyên nhân, theo Sở Công Thương, hầu hết là do các chủ đầu tư chưa chủ động báo cáo nội dung vướng mắc hoặc chưa quyết liệt trong triển khai; phần lớn dự án phải thu hồi đất nông nghiệp, liên quan đến nhiều hộ dân. Cá biệt, có dự án phải lập lại quy hoạch chi tiết 1/500 do thay đổi chủ đầu tư hoặc chồng lấn với dự án khác. Tuy nhiên, ảnh hưởng nhiều nhất là một số khâu thủ tục mất nhiều thời gian. Đơn cử, dự án Cụm công nghiệp Thiết Bình từ khi chủ đầu tư trình thẩm định đến khi phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 kéo dài 259 ngày; dự án Cụm công nghiệp Đình Xuyên kéo dài 463 ngày…
“Tuy đều là dự án cụm công nghiệp, song mỗi dự án lại có đặc thù khác nhau, thực hiện theo quy trình và thủ tục hành chính khác nhau. Đơn cử, nếu dự án có diện tích đất trồng lúa hơn 10ha phải xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, nên mốc tiến độ đưa vào sử dụng sau khoảng 24 tháng sau khi có quyết định thành lập là rất khó khăn”, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng nêu ví dụ.
Tăng cường phối hợp
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, Sở Công Thương Hà Nội vừa phối hợp với các huyện rà soát toàn bộ 19 dự án. Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Anh Hoàng Văn Thùy, với dự án Cụm công nghiệp Thiết Bình, UBND huyện Đông Anh giao Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện phối hợp với Đảng ủy, UBND xã Vân Hà tuyên truyền về dự án, tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi giải phóng mặt bằng.
Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cũng thông tin, huyện đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan trong giải quyết thủ tục, sớm hoàn thành 3 dự án có quyết định thành lập từ năm 2018, để đưa vào hoạt động. Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Gia Lâm Nguyễn Thị Thanh Hà cũng khẳng định: Với những vướng mắc trong quá trình triển khai dự án cụm công nghiệp Đình Xuyên, huyện sẽ tập trung tuyên truyền để người dân đồng thuận; những trường hợp cố tình làm chậm tiến trình thực hiện dự án, huyện sẽ thực hiện các biện pháp theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đã có văn bản kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện phối hợp tháo gỡ khó khăn; hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện thủ tục hành chính nhanh, gọn. Đơn cử như Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ xác nhận bản vẽ đo đạc hiện trạng; các nội dung liên quan đến cắm mốc giới ngoài thực địa, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chủ đầu tư thủ tục ký quỹ đất và tập trung nguồn lực tài chính để thực hiện dự án.
Ngoài ra, Sở Công Thương đề nghị chủ đầu tư các dự án giải trình chi tiết tiến độ thực hiện làm căn cứ đưa ra yêu cầu về thời gian trước khi thành phố ban hành quyết định thành lập cụm công nghiệp. Đồng thời, chủ đầu tư phải báo cáo tiến độ với chính quyền địa phương ngay khi thành phố ban hành quyết định thành lập cụm công nghiệp để địa phương đôn đốc, kiểm tra. Trong quá trình triển khai, chủ đầu tư có thể thu hút nhà đầu tư thứ cấp để đẩy nhanh tiến độ.
Liên quan đến các dự án cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với các địa phương khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng. Dự án nào đủ điều kiện sẽ khởi công ngay để thu hút đầu tư và sớm hỗ trợ doanh nghiệp mặt bằng phát triển sản xuất.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, hiện Hà Nội tiếp tục hoàn thiện 23 hồ sơ cụm công nghiệp để kêu gọi đầu tư tại “Hội nghị Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” dự kiến tổ chức ngày 27-6 tới.