Quốc hội thống nhất đưa dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục cấm đầu tư kinh doanh

Kinh tế - Ngày đăng : 15:42, 17/06/2020

(HNMO) - Chiều 17-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi). Trong đó, đáng chú ý, Quốc hội đã thống nhất đưa dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi).

Với 92,34% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) với 7 chương, 77 điều và 4 phụ lục, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021. Luật này quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài, áp dụng đối với nhà đầu tư và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh.

Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 6 về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; Điều 7 về quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện; Điều 20 quy định về ưu đãi hỗ trợ đầu tư đặc biệt và khoản 4 Điều 50 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Sau đó, với 92,96% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng gồm 3 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021.

Luật tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết nhất để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt là các quy định về thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh trong hoạt động đầu tư xây dựng, đồng thời bảo đảm tính đồng bộ thống nhất của hệ thống pháp luật.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng cũng nhằm tăng cường sự quản lý thống nhất của Trung ương đi đôi với phân cấp và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, bảo đảm công khai minh bạch trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua khoản 3 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 5 Luật Xây dựng về loại, cấp công trình xây dựng và khoản 58 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 159 Luật Xây dựng về quản lý năng lực hoạt động xây dựng.

Mai Hữu