Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên đất lúa: Đúng quy định, sát quy hoạch

Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:29, 17/06/2020

(HNM) - Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề xuất thành phố, trong năm 2020 sẽ chuyển đổi hơn 2.462ha đất trồng lúa kém hiệu quả để hình thành các mô hình nông nghiệp chuyên canh có giá trị kinh tế cao. Vấn đề đặt ra là việc thực hiện chuyển đổi phải theo đúng các quy định quản lý đất đai và gắn với quy hoạch, bảo đảm hài hòa an ninh lương thực với phát triển kinh tế và nhu cầu thị trường...

Vườn nhãn chín muộn từ diện tích chuyển đổi của một hộ dân ở xã Đại Thành (huyện Quốc Oai). Ảnh: Minh Phong

Hiệu quả đã rõ      

Những năm gần đây, Hà Nội tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả để phát triển các mô hình nông nghiệp có giá trị cao. Ví như, tại xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) - “quê hương” của giống nhãn chín muộn Hà Nội được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Mỹ, Australia đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất lúa sang trồng nhãn chín muộn và một số cây ăn quả. Hiện trung bình mỗi héc ta trồng nhãn chín muộn nơi đây thu được hơn 500 triệu đồng/ha/năm; rau, cây ăn quả 300 triệu đồng/ha/năm, trong khi trồng lúa thường chỉ 150-180 triệu đồng/ha/năm.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết: Ngoài xã Đại Thành, huyện đã hướng dẫn các xã chuyển đổi hơn 2.700ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng, vật nuôi khác theo lợi thế đồng đất, khí hậu.

Xã Liên Châu (huyện Thanh Oai) cũng được coi là một điển hình trong việc chuyển đổi với mô hình lúa - cá - vịt. Ông Nguyễn Xuân Thủy, người dân ở xã Liên Châu chia sẻ: "Năm 2015, gia đình tôi đã chuyển đổi hơn 1ha trồng lúa sang mô hình nuôi vịt, cá, mỗi năm thu về hơn 350 triệu đồng"…

Đánh giá về những mô hình này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết: Huyện đã chuyển đổi được hơn 1.260ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình nông nghiệp trồng các loại cây, vật nuôi khác, cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3 đến 5 lần so với trồng lúa. Ví dụ như mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp thủy cầm ở các xã Liên Châu, Tân Ước, Hồng Dương cho thu nhập hơn 350 triệu đồng/ha/năm trở lên…

Về việc chuyển đổi đất lúa những năm gần đây, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin: Năm 2019, tổng diện tích đất trồng lúa đã thực hiện chuyển đổi là 1.467ha và trong năm nay, Sở đã đề xuất thành phố cho phép chuyển đổi 2.462ha.

Tuân thủ quy hoạch

Việc chuyển đổi đất lúa trên địa bàn thành phố những năm gần đây diễn ra khá nhanh và hiệu quả kinh tế mang lại rõ nét, tuy nhiên cũng có không ít vấn đề đặt ra. Từ thực tế của địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Châu (huyện Thanh Oai) Lê Văn Ích chia sẻ: Xã đã trình hồ sơ xin chuyển đổi khoảng 50ha đất trồng lúa thường xuyên bị úng ngập sang mô hình chăn nuôi lợn và mô hình trang trại tổng hợp nhưng chưa được UBND huyện duyệt, bởi còn căn cứ vào quy hoạch.

Còn bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp cảnh báo, những năm gần đây nhiều địa phương đã ồ ạt chuyển sang trồng hoa ly, bưởi Diễn dẫn đến cung vượt cầu. Do đó, việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả một cách tự phát, thiếu quy hoạch cần được quan tâm.

Đồng tình với quan điểm việc chuyển đổi phải tuân thủ quy hoạch, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng thông tin: Năm 2020, Thanh Oai đề ra mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên gần 1.300ha, trong đó chủ yếu là diện tích đất trồng lúa. Để việc chuyển đổi mang lại hiệu quả, huyện đang yêu cầu các xã, thị trấn lập quy hoạch chi tiết gồm: Diện tích chuyển đổi, hệ thống thủy lợi, loại cây trồng, vật nuôi để giám sát, theo dõi... Mặt khác, huyện sẽ có biện pháp xử lý kịp thời, không để tình trạng chuyển đổi không đúng mục đích dẫn đến phá vỡ quy hoạch vùng.

Về thực tiễn chuyển đổi trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin: Sở đã rà soát công tác bảo đảm an ninh lương thực thông qua việc bảo vệ, duy trì hợp lý quỹ đất dành cho nông nghiệp, cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Mục tiêu là Hà Nội sẽ duy trì diện tích đất sản xuất lúa khoảng 92.000ha (hiện nay là hơn 94.000ha).

"Trước hết, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa phải đúng quy định về quản lý đất đai và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng được cấp thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có phục vụ sản xuất nông nghiệp và phục hồi hiện trạng ban đầu để trồng lúa trở lại khi cần thiết…", ông Chu Phú Mỹ lưu ý.

Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi khác là cách làm hiệu quả. Song, để đạt hiệu quả cao nhất và phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp cần công bố công khai toàn bộ tài liệu quy hoạch sản xuất lúa, chuyển đổi đất lúa... cũng như hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết và thực hiện đúng quy định hiện hành.

Đỗ Minh