Băn khoăn về việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế
Chính trị - Ngày đăng : 11:57, 17/06/2020
Dự thảo luật quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương trong công tác thỏa thuận quốc tế; bảo đảm triển khai và quản lý một cách thống nhất, nâng cao hiệu quả ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, cả về công nghệ, kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn vốn của các nước, tổ chức quốc tế phục vụ công cuộc bảo vệ, phát triển đất nước.
Thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến đại biểu thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu yêu cầu làm rõ hơn chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế.
Trong đó, đại biểu Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An), đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Đoàn Cần Thơ) băn khoăn về tính khả thi trong thực tiễn của quy định mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp huyện và UBND cấp xã. Các đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng vì về cả cơ sở pháp lý và các nguồn lực hiện nay chưa bảo đảm cho việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế đến cấp huyện, xã.
Làm rõ hơn vấn đề này, đại biểu Đôn Tuấn Phong (Đoàn An Giang) đưa ra con số, trong 10 năm thực hiện Pháp lệnh Thỏa thuận quốc tế, cấp huyện, xã đã ký 16 thỏa thuận, chiếm khoảng 0,8% tổng số thỏa thuận quốc tế được ký kết trong giai đoạn này.
Cho rằng không ít thỏa thuận quốc tế chưa thực chất, chưa gắn với cơ chế thực thi, thực hiện đầy đủ nội dung đã cam kết, đại biểu Trần Hồng Nguyên (Đoàn Bình Thuận) đề nghị xác định rõ mục tiêu của việc sử dụng công cụ thỏa thuận quốc tế để xây dựng khung pháp luật cho phù hợp với việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, đồng thời thiết kế cơ chế thực thi phù hợp bảo đảm hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, điều kiện quốc gia.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) đề nghị quy định chi tiết hơn về khái niệm thỏa thuận quốc tế để phân biệt với hợp đồng dân sự và làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh của luật. “Bên cạnh đó, để tăng cường quản lý, phòng ngừa rủi ro, đề nghị cần quy định cụ thể một số nội dung yêu cầu bắt buộc đối với thỏa thuận quốc tế liên quan đến đầu tư”, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nhấn mạnh.
Tiếp thu các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tóm tắt 5 vấn đề các đại biểu nêu, trong đó dự thảo luật đã mở rộng nhiều chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế so với Pháp lệnh Thỏa thuận quốc tế năm 2017. Bên cạnh đó cũng xem xét bổ sung một số chủ thể như tổ chức chính trị nghề nghiệp, các đơn vị sự nghiệp công lập vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật.
Kết luận phiên thảo luận về dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, có 10 đại biểu Quốc hội phát biểu và cơ bản các ý kiến đồng tình với sự cần thiết ban hành luật. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ mười.