Hơn 450.000 người tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu

Thế giới - Ngày đăng : 07:18, 18/06/2020

(HNMO) - Tính đến 6h ngày 18-6, toàn thế giới có 8.383.446 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 450.217 trường hợp tử vong và 4.377.861 bệnh nhân đã hồi phục.

Dịch Covid-19 có dấu hiệu lây lan nhanh chóng tại các thành phố đông dân cư của Ấn Độ.

Châu Mỹ

Mỹ hiện vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới, với 2.232.335 trường hợp dương tính và 119.915 người tử vong.

Ngày 17-6, chính phủ Honduras cho biết Tổng thống Juan Orlando Hernandez của nước này đang được điều trị trong bệnh viện vì viêm phổi sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Cơ quan y tế cho biết, nhà lãnh đạo 51 tuổi đang ở trong tình trạng sức khỏe tương đối ổn định. Vợ ông và hai trợ lý Tổng thống cũng mắc Covid-19, song không có triệu chứng bệnh.

Châu Âu

Ngày 17-6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã kêu gọi các nước giàu có sẵn sàng chia sẻ với các nước láng giềng nghèo hơn mọi loại vắc xin ngừa Covid-19 được bào chế trong tương lai. Quan chức EC cũng kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hợp tác với nhau, thay vì cạnh tranh để tìm ra vắc xin, trong đó các nước có thu nhập cao đóng vai trò như một nhóm mua chung, dự trữ đủ vắc xin cho cả các nước có thu nhập trung bình và thấp.

Ngày 17-6, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết Đức sẽ gia hạn lệnh cấm đối với các sự kiện lớn ít nhất tới cuối tháng 10 nhằm ngăn ngừa làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới, đồng thời kêu gọi người dân thận trọng và duy trì giãn cách xã hội. Hiện số ca nhiễm mới tại quốc gia đông dân nhất EU được đánh giá là đã ổn định và số ca tử vong ở mức tương đối thấp. Các cửa hàng, nhà máy, trường học và nhà hàng tại nước này đã dần mở cửa trở lại.

Cùng ngày, giới chức Tây Ban Nha cho biết nước này sẽ thử nghiệm một ứng dụng điện thoại thông minh mới giúp ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 trên đảo La Gomera thuộc quần đảo Canary với dân số khoảng 22.000 người. Đây là chương trình mới nhất tại châu Âu, sử dụng công nghệ Bluetooth để ghi nhật ký liên lạc giữa mọi người và gửi cảnh báo nếu bất kỳ ai trong số họ dương tính với SARS-Cov-2. Kết quả thử nghiệm sẽ là căn cứ để quyết định liệu có áp dụng biện pháp này rộng rãi trên toàn quốc hay không.

Châu Á - Thái Bình Dương

Ngày 17-6, Cục Thể dục thể thao thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) đã ra thông cáo khẩn yêu cầu ngừng các sự kiện thể thao và đóng cửa một số phòng tập thể hình trong bối cảnh thành phố này đã nâng mức độ ứng phó khẩn cấp với dịch Covid-19 từ mức 3 lên mức 2. Tính đến ngày 17-6, Bắc Kinh ghi nhận thêm 31 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca dương tính trong vòng 6 ngày lên 137 ca.

Với 367.264 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, Ấn Độ hiện là quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao thứ tư thế giới, số ca tử vong cũng tăng vọt lên 12.262 người trong bối cảnh dịch bệnh tấn công mạnh vào các thành phố lớn đông dân cư. Thành phố Chennai ở phía Nam nước này đã ra lệnh phong tỏa mới vì số ca dương tính tăng vọt. Các bệnh viện ở Mumbai quá tải và nhà chức trách phải trưng dụng một số khách sạn, phòng họp và 500 toa xe lửa để làm cơ sở y tế tạm thời, chăm sóc cho các bệnh nhân.

Chính quyền liên bang Australia cho biết đã cấp phép cho gần 350 sinh viên quốc tế đến thủ đô Canberra học tập từ tháng 7 tới. Đây sẽ là nhóm sinh viên quốc tế đầu tiên đến Australia kể từ khi nước này đóng cửa biên giới vào tháng 3 để ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19. Các sinh viên sẽ được chuyên chở trên 1 chuyến bay với chi phí do các trường đại học và sinh viên cùng chi trả.

Châu Phi

Ngày 17-6, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết các sòng bạc, rạp chiếu phim, dịch vụ chăm sóc cá nhân và một số nhà trọ sẽ được phép hoạt động trở lại trong bối cảnh quốc gia này đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế, giãn cách xã hội kể từ đầu tháng 6. Trước đó, Nam Phi là một trong những nước áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất trên thế giới, với hàng loạt biện pháp như hạn chế người dân ra khỏi nhà, buộc các công ty khai thác mỏ và các nhà sản xuất phải ngừng hoặc cắt giảm hoạt động, cấm bán rượu và thuốc lá…

Ngân hàng Thế giới (WB) tuyên bố sẽ cung cấp 400 triệu USD cho Ai Cập để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tại quốc gia này. Khoản tài trợ này nhằm giúp quốc gia Bắc Phi tăng cường bảo hiểm y tế và hỗ trợ tài chính tạm thời cho những người nghèo do chi phí y tế phòng dịch Covid-19 tăng lên.

Minh Hiếu