Báo chí về chủ đề văn hóa ứng xử: Góp phần bồi đắp chân - thiện - mỹ

Văn hóa - Ngày đăng : 13:18, 18/06/2020

(HNMCT) - Những ngày tháng 6 này cũng là thời điểm chuẩn bị về đích của Giải báo chí về “Văn hóa ứng xử” do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức.

Nhiều điều gợi mở từ đây về một giải thưởng báo chí góp phần đẩy lùi cái xấu, bồi đắp chân - thiện - mỹ trong mỗi con người, qua đó phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam hướng tới sự phát triển bền vững đất nước.

Tuyên truyền về văn hóa ứng xử, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa sâu rộng những hành vi ứng xử văn hóa trong xã hội là trách nhiệm của báo chí. Ảnh: Văn Dũng

Là một bộ phận cấu thành văn hóa, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng đất nước trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Báo chí viết về văn hóa ứng xử là một nội dung quan trọng trong sứ mệnh cao cả này.

Giải báo chí về chủ đề “Văn hóa ứng xử” không nằm ngoài tinh thần ấy. Đây cũng là hoạt động cụ thể trong việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết 33) "Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Được phát động vào ngày 19-8-2019 (hạn cuối nhận bài là ngày 30-6-2020), một trong những mục tiêu của Giải báo chí về “Văn hóa ứng xử” là nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về văn hóa ứng xử trên các phương tiện thông tin đại chúng; động viên, khuyến khích các cơ quan báo chí, nhà báo trong thực hiện tuyên truyền về văn hóa ứng xử, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa sâu rộng những hành vi ứng xử văn hóa trong xã hội.

Thực vậy, bằng câu chuyện có thật, thông qua khả năng phản ánh sinh động, trung thực, mỗi tác phẩm báo chí trở thành sản phẩm văn hóa tạo nên dư luận đủ sức đẩy lùi cái xấu, bồi đắp nét chân - thiện - mỹ trong ứng xử của con người.

Giải báo chí về “Văn hóa ứng xử” xuất phát từ yêu cầu thực tế. Theo đánh giá của Ban tổ chức: Thời gian qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật; các Quy tắc ứng xử nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về phong cách ứng xử, lề lối, tác phong làm việc trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở mọi ngành nghề, lĩnh vực, đã được ban hành. Qua đó, nhận thức về vai trò của văn hóa ứng xử trong mọi mặt của đời sống bước đầu đã có những thay đổi tích cực. Văn hóa ứng xử nơi công cộng dần hình thành và được người dân phát huy; xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước...

Không khó để thấy rõ những điều này. Đó là những tấm gương cán bộ, công chức, viên chức tận tâm phục vụ, thể hiện rõ tinh thần cải cách hành chính, mang lại sự ấm áp và lòng tin cho người dân ở Hà Nội; hay việc làm nhân ái, trách nhiệm vì cộng đồng của biết bao người dân bình thường trong việc hỗ trợ người gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên cả nước...

Tuy nhiên, giữ gìn những kết quả đó và tiếp tục khắc phục những bất cập trong văn hóa ứng xử là điều mà ngành chức năng và cộng đồng thực sự cần hướng tới.  

Tháng 3-2019, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2019, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng tạo diễn đàn trao đổi về “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử” cũng nêu ra những tồn tại, hạn chế khác trong lĩnh vực này. Đó là vẫn còn tình trạng cơ quan báo chí, nhà báo thiếu quan tâm đến chuẩn mực văn hóa ứng xử, thậm chí vi phạm pháp luật. Trong xây dựng văn hóa ứng xử, báo chí nhiều khi chưa có cách tiếp cận, tác động hợp lý, hiệu quả trong việc điều chỉnh nhận thức, hành vi của cộng  đồng...

Giải thưởng báo chí về “Văn hóa ứng xử” đang bước vào những ngày cuối cùng của thời hạn nhận bài dự thi để chuẩn bị chấm và trao giải vào dịp 2-9-2020. Mặc dù chưa có đánh giá sơ bộ về các tác phẩm dự giải, nhưng Ban tổ chức cũng như những người làm báo đều nhận thức rõ, hoạt động nghiệp vụ này là vô cùng ý nghĩa và sẽ trở thành sự kiện thường niên ngày càng thu hút các cây bút quan tâm đến văn hóa ứng xử.

Đặc biệt, như chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, Trưởng ban Tổ chức Giải báo chí về “Văn hóa ứng xử” với Hànộimới Cuối tuần: Ngày 9-6-2020, Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 76-KL/TƯ về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33. Theo đó, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương, đơn vị đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Như vậy, Giải báo chí về chủ đề “Văn hóa ứng xử” được tổ chức nhằm cụ thể hóa nội dung chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời tiếp tục khẳng định văn hóa là nền tảng, là động lực để phát triển xã hội.

Có thể nói, văn hóa ứng xử có trong mọi mặt của đời sống xã hội, trong cả hôm qua và hôm nay. Đó là chủ đề rộng và hấp dẫn và mỗi nhà báo có thể xem đây là cơ hội để đóng góp tác phẩm của mình cho sự nghiệp chung; cổ vũ sự tham gia của người dân, các chuyên gia truyền thông về văn hóa ứng xử. Đúng như tinh thần Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2019: Báo chí không chỉ đưa tin phản ánh về hành vi ứng xử, mà phải phân tích hành vi đó xét trên góc độ văn hóa, từ đó đưa ra khuyến nghị về ứng xử. Vì thế, không chỉ cần nhà báo mà còn cần những chuyên gia nghiên cứu về văn hóa cùng với nhà báo viết ra những tác phẩm đi vào lòng người.

Hà An