Giữ vững ''lòng trong, bút sắc''

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:15, 19/06/2020

(HNM) - Sự kiện Báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập xuất bản số đầu tiên vào ngày 21-6-1925 đã đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, trải qua 95 năm, báo chí cách mạng luôn đồng hành cùng sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Các thế hệ người làm báo luôn phát huy vai trò là “vũ khí” sắc bén của Đảng, Nhà nước, cùng xây dựng nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn.

Có thể thấy, khi đất nước còn chiến tranh, nhà báo đã trở thành những chiến sĩ ngoài mặt trận, chấp nhận mọi gian khổ, thậm chí có thể hy sinh cả tính mạng để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ngày nay, khi đất nước hòa bình, độc lập và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, báo chí nói chung và người làm báo nói riêng vẫn tiếp tục giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Với nhiệm vụ cao cả, người làm báo nước ta đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời góp phần không nhỏ vào việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phản bác các luận điệu sai trái, thù địch…

Dù vậy, trong “cơn bão” thông tin của thời đại số, chưa bao giờ vấn đề đạo đức người làm báo lại được xã hội quan tâm sâu sắc như hiện nay. Những mặt trái của kinh tế thị trường luôn là “liều thuốc thử” bản lĩnh, lương tâm người cầm bút. Trong hoàn cảnh ấy, đạo đức báo chí phải luôn là vấn đề cốt lõi và đạo đức - luật pháp không bao giờ tách rời. Vì vậy, mỗi nhà báo cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp, luôn bám sát đời sống xã hội với một cái nhìn đúng đắn, một tâm thế hướng thiện; phải đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật. Thực tế cuộc sống và trách nhiệm công dân đều đòi hỏi các nhà báo phải phát hiện, nhận biết, phân tích, đánh giá một cách khách quan, công tâm.

Hiện, những tiến bộ công nghệ đang giúp người làm báo có thêm các công cụ phục vụ chuyên môn rất hữu ích, nhưng cũng tạo ra những thách thức mới, ngày một to lớn hơn. Vì thế, người làm báo phải không ngừng trau dồi nghiệp vụ, không bao giờ được tự thỏa mãn, chủ quan, thiếu tinh thần học hỏi, cầu thị… Trong đó, cần thực hiện tốt 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

Để giúp người cầm bút hoàn thành tốt sứ mệnh cao quý, các ngành chức năng, các cơ quan báo chí cần tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho nhà báo hoạt động... Muốn vậy, các cơ quan, đơn vị cần thực hiện thực chất quy chế người phát ngôn để các nhà báo có nguồn tin chính thống. Bên cạnh đó, cùng với việc thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, cần quan tâm thích đáng đến đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới công nghệ, giúp nhà báo có điều kiện tốt nhất sáng tạo tác phẩm thu hút công chúng.

Công tác quản lý báo chí cũng cần được tăng cường hơn. Trong đó, nhiệm vụ rất quan trọng hiện nay là thực hiện hiệu quả Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để bảo đảm mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo đều hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.

Giữ vững “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, thế hệ người làm báo hôm nay sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bắc Vũ