Tranh chấp biên giới Trung Quốc - Ấn Độ: Hạ nhiệt căng thẳng
Thế giới - Ngày đăng : 06:41, 19/06/2020
Tại cuộc điện đàm ngày 17-6, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đều thống nhất cho rằng cần nhanh chóng hạ nhiệt căng thẳng, đồng thời thực hiện tốt các thỏa thuận giữa hai bên để bảo vệ hòa bình và an ninh tại khu vực biên giới. Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh, tôn trọng và ủng hộ lẫn nhau phù hợp lợi ích lâu dài giữa Trung Quốc và Ấn Độ được dựa trên nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo hai nước. Vấn đề này thực hiện thông qua cơ chế gặp gỡ đại diện đặc biệt về vấn đề biên giới giữa hai bên.
Về phần mình, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho rằng, hai bên cần xuất phát từ đại cục, thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, tháo gỡ cục diện căng thẳng. Trên thực địa, các nguồn tin quân sự cho biết binh lính hai bên đã trở về vị trí quy định và không còn các hành vi gây hấn, khiêu khích. Việc hai bên “xuống thang” cũng được Liên hợp quốc hết sức hoan nghênh.
Khu vực thung lũng Galwan (thuộc vùng Ladakh), nơi cả Ấn Độ và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền, là địa điểm đã xảy ra vụ đụng độ giữa binh lính của hai nước trong tối 15-6. Ấn Độ thông báo đã có 20 binh sĩ nước này thiệt mạng, trong khi Trung Quốc không công bố bất cứ số liệu nào. Hai nước cũng xác nhận không có nổ súng và thương vong chủ yếu là do binh sĩ tấn công nhau bằng gạch đá, gậy sắt. Tuy nhiên, Ấn Độ cáo buộc một lượng đáng kể lính biên phòng Trung Quốc đã vượt qua Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), vốn được coi là biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, xâm nhập vào khu vực do nước này kiểm soát. Ngược lại, Trung Quốc cũng cáo buộc lính Ấn Độ đã vượt biên rồi tấn công binh sĩ nước này.
Không riêng Galwan, toàn bộ khu vực biên giới dài 3.500km dọc theo dãy Himalaya giữa Ấn Độ và Trung Quốc lâu nay vẫn luôn là điểm nóng. Nhiều cuộc xung đột nhỏ cũng như những tranh cãi ngoại giao đã xảy ra kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc năm 1962. Tuy nhiên, hai bên chưa từng để xảy ra tình huống chết người suốt từ năm 1975 tới nay.
Trong bối cảnh đó, giới quan sát đặc biệt quan ngại về con số thương vong lần này, tuy nhiên cũng nhận định tình hình sẽ không dẫn tới leo thang xung đột. Căn cứ để giới quan sát đưa ra nhận định trên là bởi cả hai nước đều không mong muốn thổi bùng lên bất cứ cuộc chiến tranh nào. Hiện tại, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn đang duy trì các cuộc họp của sĩ quan quân đội nhằm tìm giải pháp hạ nhiệt tình hình, rút bớt quân và tránh đối đầu. Đây là tín hiệu tích cực để giúp hai nước tiến tới hòa bình và giải quyết dứt điểm vấn đề tranh chấp biên giới.
Vụ đụng độ hôm 15-6 tuy không lớn nhưng ít nhiều cũng tạo ra những bất ổn trong quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Điển hình là Bộ Viễn thông Ấn Độ vừa yêu cầu các công ty viễn thông của nước này ngừng tất cả giao dịch và không mua sắm thiết bị từ các doanh nghiệp Trung Quốc. Đây được xem là những tổn thất ban đầu nếu xung đột không sớm được hóa giải.
Giới phân tích cho rằng, vụ xung đột vừa qua cho thấy cách tiếp cận về vấn đề biên giới của cả Trung Quốc và Ấn Độ vẫn còn nhiều bất đồng, cần có sự điều chỉnh phù hợp trong tương lai. Hơn lúc nào hết, việc kiềm chế và hạ nhiệt căng thẳng vào thời điểm hiện tại là hết sức cần thiết. Điều này có lợi cho cả đôi bên, khi mà Ấn Độ và Trung Quốc đều đang phải gồng mình đối phó với đại dịch Covid-19.