Nơi kể chuyện lịch sử báo chí Việt Nam

Văn hóa - Ngày đăng : 14:40, 19/06/2020

(HNMO) - Với không gian rộng 1.500m2, hai tầng trưng bày hàng nghìn tư liệu, hiện vật quý, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã phần nào giúp người xem nhìn lại được chặng đường hình thành, phát triển đáng tự hào của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Không gian trưng bày báo chí Việt Nam thời kỳ đầu, giai đoạn 1865-1925.

Tự hào về truyền thống báo chí Việt Nam

Theo Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Thị Kim Hoa, từ khi có quyết định thành lập và ra mắt bảo tàng vào tháng 8-2017, đơn vị đã trải qua hơn 1.000 ngày để triển khai các dự án thành phần, tiến hành sưu tầm được hơn 20.000 hiện vật, tài liệu, trong đó có hơn 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm, phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam được chia làm 5 phần trưng bày: Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925; giai đoạn 1925-1945; giai đoạn 1945-1954; giai đoạn 1954-1975; giai đoạn 1975 đến nay. Đến với bảo tàng, người xem sẽ được chiêm ngưỡng rất nhiều phiên bản gốc của những tờ báo xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam, như bản gốc số báo 50 của tờ Gia Định Báo - tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên tại Việt Nam (năm 1865); tờ Đại Nam Đồng Văn nhật báo (1892) - tờ báo đầu tiên tại Hà Nội, sau này đổi tên là Đăng Cổ Tùng Báo, tờ Lục Tỉnh Tân Văn, Tân Dân Báo...

Ở giai đoạn báo chí cách mạng từ năm 1925-1945, người xem sẽ được nhìn thấy phiên bản tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam - Báo Thanh Niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập tại Quảng Châu (Trung Quốc).

Trong khu trưng bày này, bản gốc và phiên bản chụp lại của nhiều tớ báo cách mạng được sắp đặt sinh động, mang đến một bức tranh khái quát về báo chí cách mạng Việt Nam giai đoạn hoạt động bí mật và công khai, như: Tiếng Dân, Việt Nam Độc Lập, Tri Tân, Bạn Dân, Thanh Nghị...

Bên cạnh bản gốc của nhiều tờ báo, người xem còn được chiêm ngưỡng hình tượng bút sen ở gian khánh tiết, các hiện vật quý trong giai đoạn làm báo ở chiến khu; những hình ảnh làm báo dưới hầm; khu vực trải nghiệm các loại hình báo điện tử, báo in, phát thanh, báo hình; khu vực tưởng niệm các nhà báo đã ngã xuống vì Tổ quốc và nhân dân, vì sự nghiệp báo chí Việt Nam...

Một số hiện vật làm báo trong kháng chiến.

Nói về quá trình sưu tầm hiện vật, ông Lê Quốc Trung, cố vấn bảo tàng cho biết, tờ báo đầu tiên ra đời đã 155 năm, nền báo chí cách mạng ra đời đến nay cũng đã 95 năm, vì thế những người thực hiện gặp không ít khó khăn khi tìm kiếm tư liệu. Tuy nhiên, may mắn là trong quá trình sưu tầm, bảo tàng nhận được sự đóng góp của nhiều nhà báo lão thành, nhà sưu tầm, các đơn vị, tổ chức.

Chia sẻ thêm về việc sưu tầm được phiên bản gốc một số tờ báo giai đoạn đầu của báo chí Việt Nam, bà Trần Thị Kim Hoa cho biết, hiện nay, bảo tàng có được bản gốc của tờ Gia Định Báo số ra năm 1890, tờ Đăng Cổ Tùng Báo, Lục Tỉnh Tân Văn... Bản gốc này đều do các nhà sưu tầm tư nhân chia sẻ với bảo tàng.

"Bảo tàng cố gắng trưng bày 80% tư liệu, hiện vật gốc để người xem có thể cảm nhận được sự chân thực nhất về lịch sử hình thành và phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam", bà Hoa nói.

Giáo dục truyền thống cho thế hệ người làm báo

Hiện nay, công tác trưng bày của Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã cơ bản hoàn tất và đón khách từ ngày 19-6. Bảo tàng vẫn tiếp tục công tác sưu tầm và liên tục hoàn thiện, đổi mới phần trưng bày.

Giám đốc Bảo tàng Trần Thị Kim Hoa cho biết thêm, ngoài trưng bày các tài liệu, hiện vật gốc, Bảo tàng còn ứng dụng công nghệ số vào trưng bày. Các hệ thống màn hình điện tử được tích hợp những thông tin, tư liệu, tác phẩm, hình ảnh liên quan đến sự phát triển nền báo chí Việt Nam.

"Chúng tôi hy vọng, đây sẽ là giảng đường thứ hai cho học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu về báo chí - họ có thể đến tra cứu, tìm kiếm thông tin về hoạt động báo chí", bà Trần Thị Kim Hoa nói.

Vừa qua, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội), Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã ký kết biên bản làm việc với Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Thời gian tới, các trung tâm đào tạo báo chí lớn này sẽ thường xuyên đưa sinh viên đến bảo tàng để học tập.

Hệ thống loa phát thanh ở vĩ tuyến 17 có thể truyền xa 10km, là một trong hàng nghìn kỷ vật được trưng bày trong bảo tàng.

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông bày tỏ, bảo tàng không chỉ cung cấp thông tin hữu ích cho sinh viên nghiên cứu, học tập mà còn có giá trị giáo dục truyền thống để những người làm báo thêm tự hào, trân trọng công việc này.

Sau khi chính thức đi vào hoạt động, bảo tàng sẽ tiếp tục nâng cấp để chuyên nghiệp hơn trong hoạt động đón khách. Thời gian tới, Bảo tàng sẽ hoàn thiện hệ thống thuyết minh tự động, tăng cường quảng bá để nơi đây không chỉ là nơi lui tới thường xuyên của những người làm báo mà còn hướng tới là điểm đến du lịch hấp dẫn của Hà Nội.

Xuất phát từ ý tưởng gìn giữ, tôn vinh và phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã hoàn thiện Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam, bao gồm 3 dự án thành phần: Dự án trưng bày; Sưu tầm hiện vật và tài liệu; Tuyển dụng và đào tạo nhân sự bảo tàng.

Ngày 21-8-2014, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Căn cứ đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là "Bảo tàng chuyên ngành do Hội Nhà báo Việt Nam quản lý" và "bổ sung vào Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020" (Công văn số 1353/TTg-KGVX, ngày 1-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ).

Lễ công bố quyết định và ra mắt Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được tổ chức vào ngày 16-8-2017.

Một số hình ảnh tại trưng bày:

Không gian trưng bày báo chí yêu nước, cách mạng, giai đoạn 1945-1954.

Bản gốc tờ Gia Định Báo và tờ Lục Tỉnh Tân Văn.

Bản gốc tờ Việt Nam Độc Lập, tuần báo Hồn Trẻ trong gian trưng bày Báo chí Việt Nam giai đoạn 1945-1954.

Nơi tưởng nhớ những nhà báo đã hy vinh.

Biểu tượng bút sen ở gian khánh tiết.

Hoàng Lân