Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù đối với Hà Nội
Chính trị - Ngày đăng : 09:05, 19/06/2020
Nghị quyết gồm 6 điều, quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội về quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, mức dư nợ vay và sử dụng Quỹ dự trữ tài chính. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 15-8-2020 và được thực hiện trong 5 năm.
Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ Nghị quyết, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 3 về quản lý thu ngân sách nhà nước và Điều 4 về quản lý chi ngân sách nhà nước được quy định trong dự thảo Nghị quyết.
Nội dung của Nghị quyết quy định, về quản lý thu ngân sách nhà nước, HĐND thành phố Hà Nội được quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội một số khoản thu phí phù hợp với đặc điểm của thành phố. HĐND thành phố cũng được điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách trung ương hưởng 100%.
Về quản lý chi ngân sách nhà nước, căn cứ dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao và tình hình thực tế của thành phố Hà Nội, HĐND thành phố Hà Nội quyết định dự toán, phân bổ ngân sách thành phố Hà Nội bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ.
Thành phố Hà Nội thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định. Đồng thời, HĐND thành phố cũng quyết định việc sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách địa phương để đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu trong các cơ sở đã có của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị thuộc tổ chức chính trị - xã hội do thành phố quản lý theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Trường hợp đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án hoặc có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật kèm theo báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với công trình chỉ lập báo cáo kinh tế kỹ thuật trước khi phân bổ dự toán và phải thực hiện đấu thầu, quản lý như dự án đầu tư công.
HĐND thành phố cũng được sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ các địa phương khác trong nước; cho phép các quận sử dụng ngân sách cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn của thành phố Hà Nội trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Nghị quyết cũng quy định mức dư nợ vay của ngân sách thành phố Hà Nội không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng theo phân cấp. UBND thành phố Hà Nội báo cáo HĐND thành phố quyết định tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính để triển khai thực hiện các dự án đầu tư đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, đã có quyết định phê duyệt dự án và thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố theo quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan trong trường hợp cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Thời gian mỗi khoản tạm ứng không quá 36 tháng, kể từ ngày tạm ứng. Tổng các khoản tạm ứng tại một thời điểm không quá 50% số dư Quỹ dự trữ tài chính của thành phố Hà Nội đến ngày 31-12 của năm trước…
Giải trình về một số ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, việc ban hành Nghị quyết cần đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2012, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, báo cáo tổng kết 8 năm thực hiện Luật Thủ đô cho thấy đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, thực tiễn cũng nảy sinh nhiều vấn đề mới cần xử lý mà Luật Thủ đô chưa bao quát hết. Theo dự kiến, việc sửa đổi Luật Thủ đô sẽ được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian tới.
Trong khi chờ sửa đổi Luật Thủ đô, trên cơ sở Kết luận số 22-KL/TƯ ngày 7-11-2017 của Bộ Chính trị và căn cứ yêu cầu thực tiễn quản lý của thành phố Hà Nội, việc ban hành Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho thành phố Hà Nội nhằm khai thác có hiệu quả nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền tạo chủ động trong việc quyết định, sử dụng ngân sách là cần thiết trong điều kiện hiện nay.