Nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất 40%

Chính trị - Ngày đăng : 16:47, 19/06/2020

(HNMO) - Chiều 19-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Trước khi biểu quyết, các đại biểu đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đáng chú ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu, nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% đã thể hiện sự cân nhắc, tính toán kỹ, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự để giới thiệu tham gia ứng cử làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, từ đó tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Để bảo đảm tính khả thi của quy định này, trong thời gian tới, Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV sẽ cụ thể hóa các nội dung liên quan cũng như xem xét việc bố trí hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở từng địa phương…

Về nội dung quốc tịch của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, theo quy định tại Điều 4 của Luật Quốc tịch, “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”. Như vậy, bản thân cụm từ “có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam” đã có nội hàm là chỉ có một quốc tịch Việt Nam, không có quốc tịch thứ hai.

Về thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật, có ý kiến đề nghị Luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 để có cơ sở pháp lý áp dụng trong quá trình chuẩn bị nhân sự bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy ý kiến này là hợp lý và đã tiếp thu, chỉnh lý lại quy định tại Điều 2 của dự thảo Luật… 

* Chiều cùng ngày, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút hông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng.

Nghị quyết quy định chính quyền địa phương ở thành phố Đà Nẵng gồm có HĐND thành phố và UBND thành phố. Chính quyền địa phương ở các quận thuộc thành phố Đà Nẵng là UBND quận. UBND quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận tại thành phố Đà Nẵng là UBND phường. UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, UBND quận. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của thành phố Đà Nẵng được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng được thực hiện từ ngày 1-7-2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.

Hương Ly