Gửi yêu thương tới biển

Sách - Ngày đăng : 06:24, 20/06/2020

(HNMCT) - Đề tài biển, đảo Tổ quốc luôn gợi cho người cầm bút những suy ngẫm, trăn trở và cảm hứng bất tận. Thư con gửi Trường Sa của nhà thơ trẻ Hồng Diệu vừa được NXB Quân đội nhân dân ấn hành, giản dị như một con sóng nhỏ hướng ra biển lớn bằng nỗi dạt dào yêu thương.

Nhà thơ Hồng Diệu sinh năm 1984 tại Nghệ An, trong gia đình có cha là bộ đội, mẹ là công nhân. Thuở ấu thơ, hình ảnh người lính đã neo trong tâm trí mỗi lần chị theo cha tới Học viện Phòng không - Không quân, nơi ông giảng dạy. Tha thiết với màu xanh áo lính, thao trường đổ lửa và những khúc quân hành... nên dù Hồng Diệu đã chọn con đường ngoại đạo với văn chương thì chị vẫn lặng lẽ, bền bỉ nuôi dưỡng mạch cảm xúc xuyên suốt ấy qua những sáng tác thơ đậm chất trữ tình. Thư con gửi Trường Sa gồm 33 bài thơ được chọn lọc từ gia tài tác phẩm khá phong phú của chị, trong đó có những bài thơ đã được các nhạc sĩ An Thuyên, Quỳnh Hợp, Nguyễn Minh Châu phổ nhạc, đoạt giải cao trong các cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật đề tài biển, đảo và người chiến sĩ.

Thơ của Hồng Diệu nhất quán ở giọng điệu dung dị, trong trẻo. Tác giả dành dung lượng lớn để cất lời thay cho những em nhỏ có cha đang công tác nơi đảo xa: “Con ước gì nơi hải đảo xa xôi/ Cha nghe thấy những gì con đang nói/ À đúng rồi, hay là con cũng gửi/ Tình yêu con trong áo gửi Trường Sa”.

Vào vai trẻ nhỏ có lẽ luôn là thách thức với mỗi người viết để chuyển tải được trọn vẹn nỗi ngây thơ, hồn nhiên của trẻ. Những đoạn đối thoại của cha con người lính biển trong thơ Hồng Diệu khá giản dị nhưng đủ sức lay động lòng người: “Ba ơi! Nhưng sao lại/ Gọi đó là đảo chìm? Có phải những chú chim/ Không có nơi nào đậu? Ồ không, con yêu dấu/ Vẫn có chim về đây/ Nhưng ít thấy hàng cây/ Chỉ có nhà và biển…/ Lúc mặt trời chiếu tỏ/ Lại mênh mông nước đầy/ Nhà của ba ở đấy/ Như thuyền lướt gió mây”.

Không phải ngẫu nhiên Hồng Diệu đồng cảm và thi vị hóa được niềm yêu thương, nhung nhớ giữa đất liền và hải đảo. Nhiều năm qua, chị hoạt động tích cực trong một câu lạc bộ hướng về biển đảo. Chị từng ra Trường Sa, Nhà giàn DK1, và nhiều mùa thay quân chị lặng lẽ gác lại công việc, mang theo thơ và những bó hoa tươi thắm của Hà Nội vào tận quân cảng Cam Ranh tiễn các chiến sĩ trẻ lên tàu nhận nhiệm vụ. Sáng tác của Hồng Diệu bắt nguồn từ câu chuyện thực tế với những hình ảnh đầy sức gợi, tác động mạnh mẽ đến tình cảm, hành động của người lính.

Có chiến sĩ khi đang công tác tại đảo Đá Lớn (huyện đảo Trường Sa) đọc được những câu thơ giống hệt như lời con anh nói: “Ba nói ba có quà/ Cho em Rằm tháng Tám/ Chiếc đèn lồng rất sáng/ Ba gửi từ đảo xa” (Quà của ba) mà nảy ý định làm chiếc đèn Trung thu gửi tặng cho con trai lớn 4 tuổi mới được gặp bố hai lần và con trai thứ hai gần một tuổi chưa một lần gặp bố. Nhờ bài thơ của Hồng Diệu, mới có chiếc đèn Trung thu đặc biệt nhất cả nước vào năm 2016, vượt hành trình gần 4.000km từ khâu vật liệu gửi ở Khánh Hòa ra Trường Sa, rồi thành chiếc đèn từ Trường Sa vào Vũng Tàu, về thành phố Hồ Chí Minh, ra Hà Nội, xuống Hải Phòng đến tay các con của người lính biển.

Trong rất nhiều giá trị mà thơ ca mang lại, thì giá trị nhân văn luôn có sức lay động người đọc dù tác phẩm chạm tới đề tài gì: “Vì sao những hạt sương/ Giữa biển kia mặn chát?/ Vì sao con sóng bạc/ Lại nặng đầy yêu thương?/ Mẹ ơi sao nắng vương/ Bàn chân cha bỏng cháy/ Mà trên bờ biển ấy/ Bước tuần tra kiên cường?”. Thơ của Hồng Diệu cũng chạm được vào lăng kính tuổi thơ với những em bé có cha ngoài đảo hồn nhiên khoe “bác truyền hình đến nhà ta ba ạ”, những lời an ủi ngây thơ “con chẳng khóc đâu, ba đừng sợ”. Còn tâm sự của người cha nơi đảo xa là: “Đêm nằm nghe tiếng biển/ Cồn cào nhớ thương con/ Nhớ hơi ấm chiếc giường/ Gia đình ta bé nhỏ”, hay niềm vui của chú bộ đội nhận thư các bé: “Chú đọc thư cháu gửi/ Thấy quê hương thật gần/ Hơi ấm từ nét chữ/ Chú có cả mùa xuân”.

Thư con gửi Trường Sa là bài học giản dị về tình yêu Tổ quốc, tiếp thêm niềm tự hào, lòng biết ơn sâu sắc cho mỗi thế hệ: “Mẹ ơi, con cũng là/ Biển của cha, mẹ nhỉ/ Cha bảo trong suy nghĩ/ Con cũng là quê hương”.

Thụy Phương