Bài 2: Giữ vững bản lĩnh người làm báo cách mạng
Đời sống - Ngày đăng : 06:29, 20/06/2020
Thách thức trong kỷ nguyên số
Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, báo chí ngày càng phát triển, đổi mới cả về nội dung và hình thức, thể hiện qua các loại hình: Báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử. Theo nhà báo Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, sự vận động đó là tất yếu để bắt kịp xu hướng thông tin của thế giới, phản ánh kịp thời sự phát triển về mọi mặt của đời sống, góp phần vào công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.
Tuy nhiên, guồng quay của sự phát triển cũng tạo sức ép cạnh tranh về thông tin, đặt các cơ quan báo chí trước áp lực thu hút bạn đọc. Sự cạnh tranh giữa các báo, giữa báo chí và mạng xã hội, khiến một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ mục đích, xuất hiện hiện tượng “báo hóa” tạp chí. Không ít tác giả tạo ra sản phẩm báo chí mang tính giật gân, câu khách, kích thích thị hiếu tầm thường hoặc viết tin, bài với mục đích mưu lợi cá nhân bất chính...
Theo nhà báo Phan Hữu Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam, hầu hết những hành vi vi phạm đạo đức nghề báo là do nhà báo non yếu về trình độ, bản lĩnh chính trị không vững vàng... Không ít phóng viên mải “câu view” mà quên mục đích chính của việc viết báo. Cũng có không ít trường hợp sử dụng thông tin mạng xã hội, thiếu kiểm chứng, thiếu nhạy cảm chính trị, vô tình trở thành người lan truyền tin giả, thông tin xấu độc...
Theo Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), chỉ tính riêng trong năm 2019, các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 29 cơ quan báo chí với tổng số tiền phạt hơn 675 triệu đồng. Các hành vi bị xử phạt chủ yếu là thông tin sai sự thật, gây hậu quả xấu.
Nâng cao đạo đức và bản lĩnh làm nghề
Những hạn chế nêu trên cho thấy báo chí cách mạng và nhà báo - chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - tư tưởng không chỉ cần nắm bắt thành tựu khoa học và công nghệ, trau dồi kiến thức, kỹ năng làm nghề để nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, làm phong phú thêm hình thức truyền thông, mà còn phải đề cao kỷ cương, đạo đức nghề nghiệp, rèn luyện bản lĩnh chính trị.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, thành tựu công nghệ cùng sự phát triển của mạng xã hội đã tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí tiếp cận nguồn thông tin dồi dào và nhanh hơn. Tuy nhiên, đó cũng là thách thức lớn đối với người làm báo, đặt ra vấn đề chọn lọc, kiểm chứng thông tin cũng như nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, đạo đức và bản lĩnh làm nghề trước “biển” thông tin.
Ngày 16-12-2016, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam công bố 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và Chương trình hành động của hội về ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cùng với Luật Báo chí 2016, Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu mới trong hoạt động báo chí, trong đó có quy định riêng đối với phóng viên khi tham gia mạng xã hội, sử dụng thông tin trên mạng xã hội.
Đề cập đến bản lĩnh, lương tâm, trách nhiệm, đạo đức người làm báo trong giai đoạn hiện nay, nhà báo lão thành Hà Đăng nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương cho biết, dù ở xã hội nào, thời đại nào thì người làm báo phải luôn giữ cho mình “tâm sáng, bút sắc, lòng trong”. Còn theo nhà báo lão thành Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, người làm báo phải có trách nhiệm phản ánh thông tin đúng sự thật, tham gia đóng góp ý kiến mang tinh thần xây dựng và nhân văn, vì mục đích chung.
Phát biểu tại hội nghị gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu vào ngày 13-6 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng lưu ý, mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt huyết và không bị tình cảm cá nhân lấn át, làm mất đi tính khách quan, trung thực của mỗi tác phẩm báo chí… Để báo chí hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử, đồng chí Trần Quốc Vượng đề nghị các bộ, ngành, đơn vị quản lý chỉ đạo các cơ quan báo chí, nhất là mỗi nhà báo trước hết hãy học và noi gương Bác Hồ - một nhà báo vĩ đại, về phong cách và đạo đức làm báo, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.
Có thể thấy, trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh thành công, sự phát triển vượt bậc về nhiều mặt, hoạt động báo chí Việt Nam còn bộc lộ một số bất cập. Vì thế, đổi mới hoạt động báo chí, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, đạo đức và bản lĩnh làm nghề, hướng tới xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn là vấn đề rất cấp thiết.
(Còn nữa)