Giảm cung, giảm cầu để giảm tác hại về ma túy
Đời sống - Ngày đăng : 07:24, 20/06/2020
Việc bổ sung khái niệm này để phân biệt với “người nghiện ma túy”, ngăn chặn họ tiếp tục sử dụng và dẫn đến nghiện ma túy, qua đó kịp thời giám sát, quản lý, giáo dục. Ngoài ra, khái niệm “cai nghiện ma túy” cũng được bổ sung, coi đó là quá trình thực hiện tổng thể các can thiệp, hỗ trợ về tâm lý, nhận thức, pháp lý, xã hội và sức khỏe để giúp người nghiện ma túy nâng cao nhận thức, hình thành ý thức, quyết tâm cai nghiện…
Nội dung dự thảo Luật quy định rõ việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên; khuyến khích người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi tiến hành cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng và tại các cơ sở cai nghiện. Trong trường hợp người nghiện ma túy ở độ tuổi này không cai nghiện tự nguyện thì sẽ được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để điều trị ở khu vực riêng, phù hợp với lứa tuổi. Trình tự, thủ tục, cơ chế, chính sách đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đi cai nghiện bảo đảm các quyền của trẻ em theo quy định của hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành.
Góp ý cho dự thảo Luật Phòng, chống ma túy, ông Đoàn Hữu Bảy, Ủy viên Thư ký Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo - Văn xã (Văn phòng Chính phủ) cho biết, trên thế giới, chiến lược phòng, chống ma túy dựa trên 3 trụ cột là giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại, do đó các cơ quan chức năng cũng nên dựa trên quan điểm này khi xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Từ kinh nghiệm điều tra tội phạm về ma túy, Thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho hay, nếu trước đây Trung Quốc là “trung tâm sản xuất ma túy tổng hợp”, sau đó ma túy được đưa sang Việt Nam rồi mới sang các nước khác, thì hiện nay con đường đi của ma túy đang theo chiều ngược lại, từ Lào, Campuchia qua Việt Nam để sang Trung Quốc… Hơn nữa, người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy ngày càng trẻ hóa, nên các quy định của dự thảo cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, việc xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) cần bám sát, cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo tại Chỉ thị số 36-CT⁄TƯ ngày 16-8-2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Trong đó, những nội dung liên quan tới công tác cai nghiện ma túy cần bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả cai nghiện, phù hợp với xu thế tiến bộ trong tình hình mới.