Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng: Sống là không ngừng sáng tạo
Đời sống - Ngày đăng : 14:26, 20/06/2020
Ông bảo: “Sống là phải sáng tạo không ngừng, nếu không cuộc đời sẽ thật nhạt nhẽo và vô vị. Vì thế, tôi đặt ra khối lượng công việc phải hoàn thành rất lớn để chạy đua với thời gian. Chưa khi nào tôi cảm thấy thời gian quý giá như vậy”.
1. Trước khi đến với công việc của một nhà báo, Hoàng Kim Đáng là một thầy giáo giỏi. Là một thầy giáo làng nhưng ông thường xuyên được chọn đi báo cáo trên Trung ương và được Bộ trưởng Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Văn Huyên để mắt đến. Năm 1963, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đã về tận nơi trao bằng khen cho ông và chỉ thị cho Trưởng ty Giáo dục Hưng Yên: “Đây là con chim đầu đàn, nhân tố mới trong ngành Giáo dục, vì thế đừng để cậu ấy đi đâu và cố gắng xây dựng thành một nhà giáo điển hình”.
Sau đó, chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, ông nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc với nhiệm vụ của một người lính công binh trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt. Cuối năm 1965, ông bị sốt rét ác tính và phải nằm viện gần một năm. Ra viện, cán bộ y tế ghi vào bệnh án của ông rằng: “Chỉ có thể làm được công việc nhẹ”. Cùng thời điểm ấy, đơn vị lập ra tờ Trường Sơn gang thép (sau nâng cấp thành báo Trường Sơn) và ông được nhắm vào vị trí phóng viên của tờ báo.
Tuy nhiên, nhận thấy khả năng viết báo của mình cũng “thường thường bậc trung” nên ông nghĩ đến việc chụp ảnh, ông liền tìm đến những tay máy có kinh nghiệm chụp ảnh chiến trường để học. Rồi ông ra sức tìm hiểu về hội họa để hiểu biết thêm về ánh sáng, bố cục. Ông nói vui mình là tay “phó phá”, tức là được thỏa sức khám phá máy ảnh, phim của đơn vị.
2. Năm 1974, nhà báo Hoàng Kim Đáng chuyển ngành, ra Hà Nội. Được nhiều tờ báo lớn như báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân... mời về nhưng ông chọn báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam với suy nghĩ sẽ được tiếp cận các nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ, được học hỏi, nâng tầm hiểu biết về một lĩnh vực mà ông say mê, muốn gắn bó.
Trong cuộc đời cầm máy của mình, ông đặc biệt tâm huyết khi chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp (mà ông gọi là “tướng võ”, còn người được ông ví là “tướng văn” là nhà văn Nguyễn Tuân). Tuy được gặp Đại tướng không nhiều nhưng ông may mắn chụp được hai bức về “người anh cả” của quân đội nhân dân Việt Nam - một bức trong chiến trường và một bức chụp cách đây gần 30 năm.
Ông kể, năm 1991, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Đảng, Nhà nước đi thăm và cảm ơn các nước bạn bè trên thế giới đã ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam. Khi trở về, Đại tướng cho gọi ông và NSNA Nguyễn Nhưng đến nhà riêng để chụp ảnh. Đại tướng nói: “Tôi đã 80 tuổi, hôm nay muốn có một bức chân dung mặc quân phục, đeo huân chương và quân hàm Đại tướng để phòng khi có bề nào còn có ảnh để đầu xe”. Nghe Đại tướng nói, ông liền thưa: “Thưa Đại tướng, có thể từ 20 đến 30 năm nữa Đại tướng vẫn chưa cần ảnh để đầu xe, tôi muốn chụp một một bức ảnh mà Đại tướng đang còn thiếu”.
Không để Đại tướng đợi lâu, ông nói tiếp: “Vừa qua, trong cuộc đi thăm các nước, Đại tướng được nhân dân thế giới ngưỡng mộ, kính trọng và hô vang cụm từ “Việt Nam - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ”. Lại có những cô gái che mạng theo phong tục nhưng khi nhìn thấy Đại tướng được hô vang, chào mừng nồng nhiệt, các cô liền gỡ mạng ra để ngắm nhìn Đại tướng. Độc đáo đến thế là cùng. Tôi muốn ghi lại hình ảnh Đại tướng đáp lễ trước sự kính trọng đó bằng hình ảnh Đại tướng giơ tay lên chào”.
Và quả thực, khi đem đến tặng Đại tướng bức ảnh, Đại tướng rất thích và ký tên vào bức ảnh. Ký xong, Đại tướng nói: “Tấm ảnh quý này lại hóa hay. Nhỡ tôi có bề nào, đây là hình ảnh tôi chào Tổ quốc Việt Nam, nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới trước khi ra đi thanh thản”.
Giờ đây, khi Đại tướng đã đi xa nhưng nói về bức ảnh đặc biệt này, NSNA Hoàng Kim Đáng vô cùng xúc động. Ông bảo: “Bức ảnh là tài sản quý giá nhất trong cuộc đời nhiếp ảnh của tôi”.
3. Điều khiến tôi đặc biệt ấn tượng khi có mặt tại nhà NSNA Hoàng Kim Đáng chính là sách. Ông có rất nhiều sách ở các thể loại, chứ không chỉ có nhiếp ảnh. Ông bảo, để giỏi một ngành thì cần hiểu biết các ngành khác. “Các ngành đều có mối quan hệ mật thiết, giao thoa, tương trợ lẫn nhau, ví dụ như muốn chụp ảnh về nhà văn Nguyễn Tuân thì tôi phải đọc, tìm hiểu tác phẩm của ông ấy một cách kỹ lưỡng. Chỉ có hiểu sâu sắc về cuộc đời, phong cách của họ thì tôi mới “thổi hồn” vào những bức ảnh của mình. Chả thế mà người ta bảo phải chụp ảnh bằng... đầu”, ông chia sẻ.
Trong cuộc trò chuyện với nhà báo trẻ là tôi, ông nhắn nhủ, phải viết, sáng tạo (có chọn lọc) trên hiện thực cuộc sống để làm sao có lợi cho đất nước, dân tộc và nhân loại, đặc biệt là phải luôn hướng ngòi bút đến những gương người tốt, việc tốt. Nói rồi, ông lấy ví dụ về bài viết và ảnh ông vừa thực hiện về người phụ nữ chôn cất gần 3 vạn thai nhi ở Lý Nhân, Hà Nam. Ông bảo, nhân vật ấy không phải người có điều kiện, nhà cấy gần 3 mẫu ruộng để lấy tiền mua tiểu chôn cất thai nhi ngay trong vườn nhà mình. “Độc giả đọc thông tin này sẽ tin vào những điều tử tế trong xã hội”, ông nhấn mạnh.
Trong quan điểm nhiếp ảnh của mình, ông bảo, hằng ngày trên đất nước này, trên trái đất này diễn ra hàng ngàn, hàng vạn sự kiện, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có năng lực quan sát, phân tích, phải biết chắt lọc và ghi chép để người xem cảm giác như hiện thực ấy đang hiện diện trước mắt.
Hoàng Kim Đáng luôn cố gắng chắt chiu thời gian để cống hiến. Gần đây, ông ra mắt cuốn sách Vinh quang nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam, tuyển chọn 40 gương mặt NSNA tài năng, có đóng góp không nhỏ cho nền nhiếp ảnh Việt Nam. Rồi trong những ngày cả nước chống dịch Covid-19, ông hoàn thành bản thảo các tập sách: Tình thơ - Ảnh nghệ (gồm thơ và ảnh do ông sáng tác), Vĩ nhân thời đại (tập hợp những bài viết chân dung người nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực mà ông có cơ hội gặp gỡ)... Ông là thế, như một người nông dân cần mẫn trên cánh đồng sáng tạo, cả đời đam mê làm việc, cống hiến.
Nhà báo, NSNA Hoàng Kim Đáng sinh năm 1942 tại xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Ông từng công tác tại một số báo như: Báo Trường Sơn, báo Văn nghệ, báo Người Hà Nội, tạp chí Nhiếp ảnh Việt Nam, tạp chí Thế giới ảnh và từng công tác tại Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương). Ông là tác giả của những cuốn sách như: Người mở đường, Thơ và đời, Kazit và bạn bè, Hội An đô thị cổ, Phố Hiến lịch sử văn hiến, Sách ảnh Nghệ thuật Việt Nam, Chân dung văn hóa Việt Nam...