Báo chí bắt kịp nhịp đập xã hội

Đời sống - Ngày đăng : 19:18, 20/06/2020

(HNMO) - Trong thời đại internet lan tỏa mọi nơi, môi trường báo chí thành phố Hồ Chí Minh đã bắt nhịp, đưa tin nhanh, kịp thời và tương tác sâu hơn với công chúng. Sự chuyển mình của báo chí thành phố không chỉ đến từ bên đưa tin, mà còn đến từ bên cung cấp thông tin, giúp môi trường báo chí thành phố ngày càng hội nhập.

Phóng viên báo chí thành phố Hồ Chí Minh tác nghiệp.

"Thị trường" báo chí sôi động

Anh Lê Tấn Hùng (nhân viên văn phòng làm việc tại quận 3) cho biết, phương thức đọc báo bây giờ đã thay đổi rất nhiều. Độc giả muốn theo dõi thông tin không cần mua tờ báo giấy mà vẫn có thể tìm được thông tin đó trên các thiết bị di động thông qua mạng internet.

Cũng theo anh Hùng, khi người đọc dễ dàng tiếp cận nguồn thông tin thì chọn kênh nào để theo dõi, để “trung thành” cũng được nhiều độc giả chú ý hơn. Điều này khiến các tờ báo phải liên tục “làm mới” mình.

Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện có 31 cơ quan báo chí của thành phố, 142 cơ quan báo chí trung ương và địa phương khác; khoảng 1.800 nhà báo thành phố, 500 nhà báo trung ương, địa phương khác hoạt động; 12 cơ quan báo chí nước ngoài có văn phòng đại diện. Số lượng người làm báo ở thành phố chiếm 10% người làm báo cả nước. Nơi đây cũng chiếm khoảng 10% số người làm báo có thẻ nhà báo hoạt động.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh, đặc thù của báo chí thành phố là số lượng các cơ quan báo chí đông đảo, có hoạt động nghiệp vụ báo chí phong phú. Trong khi đó, thành phố là một trung tâm lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ… nên lượng thông tin luôn dày đặc. Đồng thời, lượng cư dân sinh sống trên địa bàn lớn nhất cả nước cũng là dư địa để báo chí khai thác các góc cạnh của đời sống người dân.

Có thể thấy, môi trường báo chí hiện nay, đặc biệt là thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh có sự cạnh tranh rất quyết liệt. Nhà báo Ngô Công Quang (Báo điện tử Dân trí tại thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, làm báo thời nay không phải cứ viết ra cái gì cũng có người đọc.

“Chúng ta phải xác định phân khúc độc giả, nhu cầu thông tin của “thượng đế” và phải luôn thay đổi, cập nhật công nghệ, hoàn thiện mình để phù hợp với xu thế phát triển của thị trường báo chí”, nhà báo Ngô Công Quang chia sẻ.

Hướng tới hoàn thiện tính chuyên nghiệp

Nhà báo Nguyễn Đức (Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, một thông tin tích cực hay tiêu cực đều được lan truyền rất nhanh. Vì thế, trách nhiệm mỗi tờ báo, phóng viên không chỉ đưa tin trung thực, khách quan mà cần phải nhanh. Một khi có thông tin chính xác, kịp thời và nhanh nhạy thì các thông tin bịa đặt, có chủ đích không trong sáng sẽ không còn "đất sống".

Cũng theo nhà báo Nguyễn Đức, tận dụng Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam và thành phố Hồ Chí Minh đã tích hợp đa phương tiện. Các tờ báo lớn đều có báo điện tử, kênh, mục truyền hình, Fanpage Facebook, Youtube…

“Vì thế, một video Ghen Cô Vy ủng hộ chống dịch Covid-19 được các báo, đài, mạng xã hội trong nước đưa tin, lan tỏa khắp thế giới. Các báo, đài, mạng xã hội nước ngoài dẫn lại với nhiều phiên bản, ngôn ngữ truyền tải thông tin tích cực về tinh thần chống dịch của toàn dân, toàn hệ thống chính trị của chúng ta”, nhà báo Nguyễn Đức dẫn chứng.

Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Báo chí thành phố, cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin đến người dân thành phố cũng như cả nước, đáp ứng đặc thù là trung tâm kinh tế, văn hóa sôi động của cả nước, thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập trung tâm báo chí đầu tiên của cả nước từ tháng 5-2019, với chức năng là cầu nối cung cấp thông tin của thành phố tới các cơ quan báo chí.

Một buổi họp báo cung cấp thông tin tại Trung tâm Báo chí thành phố Hồ Chí Minh.

Hơn một năm qua, Trung tâm Báo chí thành phố đã chủ động liên hệ, phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước phản hồi nhanh các thông tin báo chí được dư luận thành phố quan tâm qua nhiều kênh như: Trả lời trực tiếp tại giao ban báo chí tuần, phản hồi văn bản đến cơ quan báo chí, trao đổi thông tin trực tiếp với phóng viên các cơ quan báo chí tại Trung tâm Báo chí thành phố...

“Một sự thay đổi tích cực đáng ghi nhận của môi trường báo chí ở thành phố Hồ Chí Minh đến từ cơ quan quản lý nhà nước, đó là sự chủ động và thay đổi phương thức cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí thông qua Trung tâm Báo chí, từ đó xóa bỏ tâm lý ngại gặp, tránh né báo chí như đã từng tồn tại ở một số ngành, địa phương trước đây”, ông Từ Lương nhấn mạnh.

Từ cách làm đó, nhiều thông tin về chủ trương, chính sách mới của thành phố; các thông tin về xử lý sai phạm trong trật tự xây dựng tại các huyện: Bình Chánh, Thủ Đức, Bình Thạnh; hay các sự kiện nóng như các vụ án hình sự, vấn đề xã hội… đều được Trung tâm Báo chí thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cơ quan báo chí, tránh được tình trạng xuyên tạc, thông tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội gây bức xúc trong dư luận.

Lấy Báo Hànộimới làm ví dụ về hiệu quả công tác phối hợp thông tin, ông Từ Lương cho biết, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố đánh giá cao những thông tin kịp thời, chính xác về các mặt đời sống xã hội của thành phố mang tên Bác mà báo Đảng Thủ đô mang đến cho bạn đọc Hà Nội và cả nước trong thời gian qua.

“Các cơ quan, ban, ngành của thành phố sẽ tiếp tục cung cấp thông tin cho Báo Hànộimới theo hướng nhanh nhất, trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, như một hình thức phối hợp thông tin điển hình giữa thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan báo chí trên địa bàn, để các bên thực hiện công việc của mình ngày càng hiệu quả”, ông Từ Lương khẳng định.

Nguyễn Lê