Góp một tình yêu với giấy dó
Văn hóa - Ngày đăng : 06:51, 21/06/2020
- Thưa họa sĩ Vũ Thái Bình, cơ duyên nào đưa anh đến với giấy dó?
- Như hầu hết họa sĩ thường thử rất nhiều loại chất liệu rồi mới tìm ra được chất liệu mà mình yêu thích, tôi cũng đã đi một quãng đường dài, vẽ với các chất liệu khác nhau trước khi đến với giấy dó. Đến để thử nhưng giấy dó với tôi lại là cơ duyên. Khi vẽ trên dó, tôi cảm thấy rất thỏa mãn. Dó hợp với con người tôi, cách làm việc của tôi, nó giúp tôi kể những câu chuyện nhẹ nhàng về đời sống.
- Người ta thường nói, giấy dó kén người vẽ và bút pháp, anh được “kén” như thế nào?
- Khó khăn không thể tránh lúc đầu là hỏng quá nhiều, nhưng điều đó giúp tôi tích lũy thêm kinh nghiệm, và tôi đã có hai triển lãm cá nhân về chất liệu này. Với Sắc dó 1 năm 2016, tôi bày ký họa là chủ yếu. Với Sắc dó 2 năm 2018 ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tôi đã dám làm những tác phẩm kích thước lớn hơn, đề tài phong phú hơn và đến bây giờ thì dó với chính tôi cũng đã rất khác. Câu chuyện giấy dó của tôi rất dài, từng thời điểm tôi sẽ trình làng những thứ mình đã làm được và tìm kiếm những thứ mới hơn, khó hơn. Dự định sang năm, tôi sẽ tiếp tục làm triển lãm cá nhân và câu chuyện của tôi với giấy dó sẽ khác cái mà tôi đã kể.
- Tôi thật sự tò mò về tác phẩm đầu tiên khiến anh cảm thấy mình đã chinh phục được chất liệu này...
- Đó là bức Cụ Thận mà tôi trưng bày trong cả 2 cuộc triển lãm riêng của mình và hiện vẫn đang lưu giữ. Bức đó được vẽ trên nguyên mẫu cụ Thận, một người hàng xóm của bà ngoại tôi ở quê. Cụ rất giống bà ngoại tôi. Khi vẽ cụ Thận, tôi như đưa tình cảm của mình với bà ngoại vào đó. Đây là tác phẩm đầu tiên tôi cảm thấy mình được dó đáp trả tình yêu, công sức mà mình bỏ ra.
- Có điều gì ở giấy dó khiến anh say mê đến vậy?
- Giấy dó có hai thứ khiến tôi quyết tâm theo đuổi. Một là làm loại chất liệu này rất khó, trước đây cha ông ta chỉ dùng để ghi chép tài liệu, sau để in tranh truyền thống như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống... Tôi muốn chất liệu này không chỉ gói gọn như thế, mà phải có hơi thở mới của thời đại. Lý do nữa, đây là chất liệu thủ công truyền thống, 100% do người Việt làm nên tôi muốn nó được bảo tồn, phát huy giá trị.
Xã hội càng hiện đại thì những thứ truyền thống càng có giá trị. Tôi muốn lưu giữ và đẩy chất liệu truyền thống lên một tầm cao mới, mang đến cho giấy dó sức sống mới. Quan trọng nhất là khi làm với giấy dó tôi được “thả” hết sức trên mặt giấy, rất thỏa mãn khi thể hiện những gì mình nghĩ, điều mà với những chất liệu khác tôi chưa tìm thấy.
- Dó là một chất liệu truyền thống nên các họa sĩ dù phá cách thế nào thì vẫn cảm thấy dó hợp nhất với các đề tài truyền thống, những ký họa về đời sống sinh động mà giản dị, đúng không anh?
- Trên con đường của tôi, giấy dó rất mộc mạc. Bản thân tôi cũng dựa theo cái mộc mạc đó mà phát huy. Tôi sinh ra ở quê, đời sống nông thôn gắn với tôi từ ấu thơ, ngấm vào con người mình và cách kể chuyện của tôi cũng thế. Tôi thích kể về những con người thực tế, hầu như làng quê nào cũng có những góc sân, góc vườn... như trong tranh của tôi. Tôi muốn góp một phần nhỏ bé để lưu lại phong cảnh, đời sống làng quê trên giấy dó, bởi tôi nghĩ trong tương lai rất gần nó sẽ chỉ còn là ký ức. Đó là lý do tôi hay rong ruổi ở những miền quê xa xôi.
- Ngoài các triển lãm cá nhân, anh còn tham gia tổ chức nhiều triển lãm chung với mục đích lan tỏa tình yêu với giấy dó. Anh thấy hiệu quả của việc đó như thế nào?
- Giấy dó là một chất liệu quý mà cha ông để lại. Nhóm họa sĩ chúng tôi muốn thông qua tác phẩm của mình để lan tỏa tình yêu với giấy dó, cũng là góp phần bảo tồn di sản của cha ông. Có cung mới có cầu, nếu ít người sử dụng, chất liệu này chắc chắn sẽ mai một. Nếu một lúc nào đó giấy dó không còn thì đó là điều đáng tiếc vô cùng, bởi vậy, tôi muốn góp một phần nhỏ để giữ gìn. Tôi thường mua rất nhiều để vẽ dần. Rất mừng là gần đây có nhiều bạn nhờ tôi mua giấy dó, chứng tỏ họ có nhu cầu. Tháng 8 tới, tôi và 14 họa sĩ chuyên vẽ giấy dó sẽ lại góp sức cùng nhau lan tỏa tình yêu lớn này.
- Cảm ơn anh đã chia sẻ!