Vinh danh 103 tác phẩm tại Lễ trao giải Báo chí quốc gia lần thứ XIV

Văn hóa - Ngày đăng : 20:48, 21/06/2020

(HNMO) - Tối 21-6, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam long trọng tổ chức kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020) và Lễ trao giải Báo chí quốc gia lần thứ XIV - năm 2019.

Chương trình ca nhạc mở đầu lễ trao giải.

Tới dự có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Đại tướng - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Lương Cường.

Cùng dự, có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, lãnh đạo các cơ quan báo chí.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự buổi lễ.

Báo chí cách mạng luôn gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc 

Tại lễ kỷ niệm, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã ôn lại truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam. Kể từ ngày 21-6-1925, khi Báo Thanh Niên ra số đầu tiên, đến nay, nền báo chí cách mạng nước ta vừa tròn 95 năm đồng hành cùng dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự tin yêu và ủng hộ của nhân dân, báo chí cách mạng Việt Nam luôn gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc, thực sự là vũ khí tinh thần sắc bén của Đảng và Nhà nước trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, là diễn đàn tin cậy của nhân dân trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Qua các giai đoạn lịch sử, các thế hệ nhà báo cách mạng thực sự là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Thuận Hữu phát biểu khai mạc lễ trao giải.

Đồng chí Thuận Hữu nêu lại truyền thống nổi bật mà báo chí cách mạng nước ta đã dày công vun đắp, tạo dựng. Đó là sự vững vàng về bản lĩnh chính trị, gắn bó máu thịt với nhân dân, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và dân tộc; trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đội ngũ nhà báo cách mạng luôn luôn có mặt nơi đầu sóng ngọn gió và sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng. Bên cạnh đó, báo chí cách mạng Việt Nam luôn luôn sáng tạo, tự đổi mới và chủ động hội nhập quốc tế, nội dung thông tin ngày càng phong phú, cập nhật, thiết thực, hình thức ngày càng sinh động, hấp dẫn.

Đánh giá Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIV, đồng chí Thuận Hữu cho biết, Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIV - năm 2019 đã thu hút hơn 1.600 tác phẩm tham dự, cho thấy hiệu quả và sức hút của giải đối với hoạt động báo chí.

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, các tác phẩm nhiều kỳ chiếm tỷ lệ ngày càng cao, cho thấy đề tài được đầu tư công phu, bài bản. Tác phẩm phát thanh, truyền hình thể hiện sự tương tác với công chúng nhiều hơn nhờ khai thác thế mạnh của internet khi thực hiện. Báo điện tử tiếp tục sử dụng hình thức thể hiện mới, hiện đại... Chất lượng báo chí các địa phương ngày càng được nâng lên, mặt bằng chất lượng chung các tác phẩm dự giải đồng đều hơn.

Báo chí cách mạng phải lấy sứ mệnh cách mạng làm sứ mệnh của mình

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng sự nỗ lực, cùng sự đóng góp quan trọng của những người làm báo cả nước đã có được những thành tựu to lớn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sự ủng hộ giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, báo chí cách mạng nước nhà không ngừng đóng góp xứng đáng, quan trọng vào sự nghiệp cách mạng, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.

"Báo chí tích cực, chủ động, có nhiều đóng góp trong xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, phản ứng kịp thời, khách quan những diễn biến quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước; có chức năng giám sát, phản biện xã hội; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Báo chí đã góp phần quan trọng nâng cao vị thế và hình ảnh Việt Nam", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Đánh giá về những đóng góp của báo chí cách mạng Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, báo chí đã góp phần tạo sự đồng thuận, ủng hộ, sự đoàn kết nhân ái của nhân dân cả nước trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Đồng thời, báo chí cũng đóng góp hiệu quả vào việc nêu cao tinh thần chia sẻ những khó khăn do đại dịch gây ra, góp phần vào việc tuyên truyền tới người dân thực hiện chủ trương của Chính phủ "chống dịch như chống giặc"; thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa ổn định, phát triển kinh tế - xã hội... 

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chia sẻ những khó khăn mà báo chí đang gặp phải do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều tờ báo bị sụt giảm nguồn thu, ảnh hưởng tới thu nhập của các nhà báo. "Chính phủ luôn đồng hành cùng báo chí, tạo điều kiện để báo chí vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Nhìn nhận những thách thức của báo chí trong thời đại công nghệ số, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, báo chí là một trong những ngành nghề chịu tác động đầu tiên và mạnh nhất. Ảnh hưởng của truyền thông số và mạng xã hội sẽ là thách thức lớn với báo chí trong việc làm thế nào, vừa đưa thông tin chính xác, kịp thời cho bạn đọc, vừa có tính phản biện xã hội, sự đồng thuận và xây dựng niềm tin cho nhân dân.

"Báo chí cách mạng phải lấy sứ mệnh cách mạng làm sứ mệnh của mình. Báo chí cần giữ vững tinh thần cách mạng, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực tới người dân, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, cùng thực hiện mục tiêu khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, với lực lượng hùng hậu (hơn 55 nghìn hội viên), có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn tốt, báo chí Việt Nam tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ được giao, xứng đáng niềm tin, sự kỳ vọng, yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thủ tướng cũng đánh giá, Giải Báo chí quốc gia do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức để tôn vinh các nhà báo tiêu biểu đã có sức lan tỏa cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội.

Một số hình ảnh tại Lễ trao giải Báo chí quốc gia lần thứ XIV - năm 2019:

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trao giải A Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIV - năm 2019 cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân trao giải B cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải.

Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình với Đại tướng - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Lương Cường trao giải C cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải, trong đó có nhóm tác giả của Báo Hànộimới.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Thuận Hữu và Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng trao giải Khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải.

Báo Hànộimới giành giải C, Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIV

Sau chương trình kỷ niệm, Ban tổ chức đã trao giải cho các tác giả, tác phẩm đoạt Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIV. Theo đó, Ban tổ chức lần lượt vinh danh, trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả: 32 giải Khuyến khích, 41 giải C, 21 giải B, 9 giải A.

Báo Hànộimới (Hội Nhà báo thành phố Hà Nội) giành giải C với tác phẩm "Xử lý và ngăn ngừa "điểm nóng": Bài học về phát huy dân chủ" của nhóm tác giả: Lê Thị Hương, Triệu Thị Hoa, Đinh Tuấn Anh, Nguyễn Quang Thái, Nguyễn Tuấn Phong.

Ngoài ra, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội còn có thêm 2 giải Khuyến khích, đó là các tác phẩm: "Long đong phận giáo viên hợp đồng" và "Chuyện của ông Dật "gàn" của các nhóm tác giả thuộc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.

9 giải A - Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIV 

1. Tác phẩm "Trò chuyện văn chương" của tác giả: Trần Hữu Việt (Hữu Việt) - Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân (thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn báo in).

2.Tác phẩm "Khởi động chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" của nhóm tác giả: Tô Đình Tuân, Lê Cao Cường, Phạm Hồng Kỳ, Võ Hoàng Triều, Hoàng Văn Thanh - Báo Người Lao Động, Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh (thể loại Xã luận, bình luận, chuyên luận báo in).

3. Tác phẩm "Hàng trăm nghìn tỷ đồng đang bị "đóng băng, bào mòn" của nhóm tác giả: Quang Hưng, Xuân Thủy, Hoàng Anh, Tô Hà, Minh Dũng - Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân (thể loại Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí, ghi chép báo in).

4.Tác phẩm "Nông nghiệp Tây Nguyên tìm động lực cho giai đoạn mới" của nhóm tác giả Dương Đình Tuấn, Vũ Hải Định - Cơ quan Thường trú khu vực Tây Nguyên, Liên Chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam (thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, chuyên đề phát thanh tổng hợp).

5. Tác phẩm "Làm đẹp những con số" của nhóm tác giả Minh Tuyết, Thanh Tùng, Cao Tùng, Thanh Liên, Quang Vinh - Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa (thể loại Tin, phóng sự, ký sự truyền hình).

6. Tác phẩm "Đối diện: Chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa" của nhóm tác giả Đỗ Đức Hoàng, Nguyễn Phương Mai, Vũ Đình Chung, Nguyễn Việt Cường, Lưu Hoàng Tuấn - Liên Chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam (thể loại Bình luận, giao lưu, tọa đàm truyền hình).

7. Tác phẩm "Ông rũ rối" của nhóm tác giả Gia Thái, Duy Khoa, Việt Hưng, Mạnh Hùng, Lê Minh - Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Thọ, Hội Nhà báo tỉnh Phú Thọ (thể loại Phim tài liệu truyền hình).

8. Tác phẩm "Mớ bòng bong ma trận đấu thầu tập trung: Hà Nội nguy cơ "thất thủ" vì rác thải" của nhóm tác giả Phạm Trung Hiền, Phạm Thị Thanh Trà - Báo Điện tử VietnamPlus, Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam (thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến báo điện tử).

9. Tác phẩm "Truyền bá chuyện vong báo oán tại chùa Ba Vàng" của nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Long, Nguyễn Thị Huyên, Nguyễn Tuấn Anh, Dương Đình Trường - Chi hội Nhà báo Báo Lao Động (thể loại Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép báo điện tử). 

Hoàng Quyên - Ảnh: Quang Thái