Bài cuối: Nâng cao hiệu quả quản lý, thúc đẩy đổi mới hoạt động

Đời sống - Ngày đăng : 06:20, 21/06/2020

(HNM) - Hoạt động báo chí có lúc, có nơi thể hiện sự chồng chéo, cạnh tranh thiếu lành mạnh, thông tin độc hại ngày một nhiều…. Nguyên nhân chính bắt nguồn từ tình trạng có quá nhiều cơ quan báo chí, không ít tòa soạn báo xa rời tôn chỉ, một số nhà báo vi phạm pháp luật… Do đó, việc quy hoạch để nâng cao hiệu quả quản lý, thúc đẩy đổi mới hoạt động báo chí là giải pháp quan trọng hàng đầu trong bối cảnh hiện nay.

Những năm gần đây, các cơ quan báo chí đã phát triển mô hình báo chí đa phương tiện, tòa soạn hội tụ, bắt kịp xu hướng thông tin của báo chí thế giới. Trong ảnh: Không gian làm việc mở tại tòa soạn Báo điện tử VnExpress ở Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Quy hoạch để đáp ứng yêu cầu phát triển

Báo cáo Chính trị tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng chỉ rõ: “Các cơ quan truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam. Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm thiết thực, hiệu quả...”.

Trước yêu cầu thực tiễn đặt ra, ngày 3-4-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 362/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Quy hoạch nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích; xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp, ngành, nhất là của người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí. Hiện cả nước có 868 cơ quan báo chí. Sau khi quy hoạch, dự kiến đến năm 2025, con số này là 688.

Tại Hà Nội, ngày 2-1-2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 18/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí thành phố Hà Nội đến năm 2025. Theo đó, đến hết năm 2020, Hà Nội còn 8 cơ quan báo chí (5 báo, 2 tạp chí, 1 đài phát thanh - truyền hình), giảm 10 cơ quan báo chí và đến năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành việc sắp xếp theo đúng chỉ đạo của trung ương.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, quy hoạch báo chí nhằm khắc phục tình trạng lãng phí, xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại và vững mạnh hơn, tiệm cận sự phát triển của báo chí thế giới.

Xây dựng nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp

Ngày 10-6 mới đây, nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thư chúc mừng các đại biểu dự hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu” nói riêng và người làm báo Việt Nam nói chung. Thư có đoạn: “Báo chí và các nhà báo phải thể hiện được chính nghĩa, phản ánh được "dòng chảy chính" của xã hội, của đất nước, phải "phò chính, diệt tà". Mỗi bài viết, bản tin, hình ảnh đều phải lan tỏa những giá trị tốt đẹp và năng lượng tích cực, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh”. Đó là những lời gửi gắm niềm tin, đồng thời là giao nhiệm vụ cho đội ngũ những người làm báo, đặt ra yêu cầu đổi mới công tác quản lý, tổ chức hoạt động của các cơ quan báo chí để tiến tới một nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính nhân văn.

Trên thực tế, những năm gần đây, không ít cơ quan báo chí đã phát triển mô hình báo chí đa phương tiện, tòa soạn hội tụ, bắt kịp xu hướng thông tin của báo chí thế giới. Các tòa soạn báo tăng cường thông tin hấp dẫn cho ấn phẩm điện tử, ứng dụng công nghệ để đa dạng hóa hình thức thể hiện và nâng cao chất lượng thông tin với nhiều sản phẩm báo chí hiện đại, như: E-magazine, Megastory, Longform, Infographic…

Theo Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh, sự chuyển mình của các cơ quan báo không chỉ thể hiện ở việc nâng cao chất lượng tin, bài, thông tin nhanh, hình thức đa dạng, đẹp mắt, mà còn ở tính chuyên nghiệp trong khâu tổ chức sản xuất, xuất bản ấn phẩm báo chí.

Cùng với các báo điện tử tăng cường thực hiện các bài viết có hình thức thể hiện hiện đại, nhiều báo in có bề dày truyền thống, như các báo: Quân đội Nhân dân, Hànộimới, Sài Gòn Giải Phóng, Người Lao Động… cũng có sự chuyển biến rõ nét. Nhiều phóng viên có thể thực hiện kỹ năng “5 trong 1”: Thu thập thông tin, viết bài, chụp ảnh, quay video, thiết kế tác phẩm báo chí. Chị Hoàng Lan Anh, công tác tại Báo Người Lao Động đã hơn 20 năm cho biết, trước yêu cầu của tòa soạn, tất cả các phóng viên bắt buộc phải học hỏi, rèn luyện để chuyên nghiệp hóa trong hoạt động nghiệp vụ, bảo đảm đưa thông tin nhanh cho báo điện tử, sau đó viết bài cho báo in.

Trải qua 95 năm hình thành, phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam đã có bước phát triển đáng tự hào. Trên hành trình ấy, dù có lúc gặp khó khăn, nhưng rõ ràng, những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng luôn được chuyên tâm giữ gìn. Những giá trị đó, như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam, là “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, cũng như nhận thức cần có: “Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc”.

Đây cũng là những yếu tố không thể thiếu trong quá trình xây dựng thành công nền báo chí cách mạng hiện đại, chuyên nghiệp, giàu tính nhân văn.

Hoàng Quyên