Một lát cắt của lịch sử (*)

Đời sống - Ngày đăng : 06:48, 21/06/2020

(HNNN) - LTS: Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc sau này có sự cống hiến to lớn của đội ngũ nhà báo cách mạng Việt Nam. Bằng tinh thần yêu nước và đam mê nghề nghiệp, họ đã đi vào cuộc chiến, không quản ngại gian khổ, hy sinh để hoàn thành sứ mệnh người cầm bút - người thư ký của một thời đại đặc biệt. Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020), Hà Nội Ngày nay trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, về những thời khắc lịch sử hào hùng của “mùa hè đỏ lửa 1972” khi ông có mặt ở tuyến lửa Vĩnh Linh, Quảng Trị với tư cách là phóng viên Thông tấn xã Giải Phóng.

Các nhà báo Xuân Lâm (bên phải) và Trần Mai Hưởng trên đường hành quân (Quảng Trị, 1972).

Tôi không bao giờ quên không khí chuẩn bị hối hả, gấp gáp rời Hà Nội trước Tết năm 1972 ấy. Đấy là chuyến đi xa đầu tiên trong cuộc đời làm báo của tôi sau hai năm đầu làm phóng viên Phân xã Hà Tây. Như nhiều bạn bè cùng trang lứa, chiến trường luôn có sức cuốn hút mãnh liệt đối với chúng tôi, dù mỗi người đều cảm nhận được những ác liệt, hy sinh đang chờ đợi mình. Việc ra chiến trường được coi là lẽ tự nhiên.

Chúng tôi đi dọc qua nhiều vùng đất mà trước đó chỉ đọc trong sách vở. Những dặm dài Hàm Rồng, Hà Tĩnh, đèo Ngang, Quảng Bình... Cuộc sống thời chiến của miền Trung khói lửa cho tôi những ấn tượng rất mạnh. Qua đèo Ngang, lần đầu tiên tôi cảm thấy gần biển đến thế. Một đèo Ngang trong thơ Bà Huyện Thanh Quan vừa gần gũi thân thuộc, vừa mới lạ bất ngờ. Dù kẻ địch lởn vởn ngay phía trước, nhưng trên quốc lộ, những đoàn xe căng bạt vẫn nhằm hướng tiền tuyến mà đi. Nhiều gương mặt trẻ trung lướt qua. Họ cùng thế hệ với chúng tôi và đang sẵn sàng đi đến nơi thử thách ác liệt nhất đang chờ đợi họ.

Dừng chân ở đèo Ngang, chúng tôi tình cờ gặp tổ phóng viên thông tấn đi theo Mặt trận B5 cũng đang trên đường hành quân. Đây là lần đầu tiên tôi được gặp các anh Nghĩa Dũng, Vũ Tạo, dù đã biết tiếng hai phóng viên chiến trường lừng danh này từ những bức ảnh trong chiến dịch Lam Sơn 1971 hoặc trước đó nữa. Đặc biệt là bức ảnh Nhằm thẳng quân thù mà bắn của anh Vũ Tạo đã quen thuộc với nhiều bạn đọc.

Tôi vẫn nhớ gương mặt rất bình thản, tự tin của anh Dũng và anh Tạo. Các anh vào sinh ra tử đã nhiều và điều đó thể hiện trên gương mặt họ. Năm ấy mùa đông phía bắc rất rét và lan cả vào đến miền Trung. Nghĩa Dũng phanh áo khoác, chỉ cho tôi xem vết ố trên chiếc áo sợi mặc bên trong rồi nói:

- Thằng con đái dầm ra cả áo hôm mình về thăm. Vợ bảo giặt, mình bảo khỏi cần, có mùi nước đái càng đỡ nhớ con!

Lúc chia tay, Nghĩa Dũng ôm tôi rất chặt như ôm một đứa em trẻ tuổi, chưa nếm mùi trận mạc với lời động viên:

- Cố gắng nhé chú em! Cần nhất là đừng sợ, phải bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh...

Chuyện chiếc áo có mùi nước đái con của Nghĩa Dũng cứ ám ảnh tôi mãi. Một linh tính mơ hồ. Đến khi nghe tin anh hy sinh khi đang cùng bộ đội tiến đánh một cao điểm ở phía tây Quảng Trị, tôi đã rất bàng hoàng. Đồng nghiệp vô cùng thương tiếc anh, nhà báo liệt sĩ đầu tiên hy sinh trong Tổng tiến công năm 1972 và để lại một tấm gương về lòng quả cảm, vượt qua gian khổ hy sinh vì sự nghiệp thông tấn. Với riêng tôi, câu chuyện của anh thấm đẫm tình phụ tử, chất nhân văn của một con người trong chiến tranh...

Phân xã B Vĩnh Linh nằm trên một quả đồi ở xã Vĩnh Nam, liền bên căn cứ của Khu ủy Vĩnh Linh, cách thị trấn Hồ Xá khoảng 5km về phía biển. Một căn nhà lá ba gian ẩn dưới những bóng cây. Những vạt đồi toàn sim. Hoa sim nơi giới tuyến, giữa mưa bom bão đạn, nắng gió khô cằn vẫn một màu tím bình dị, đem lại cảm giác bình yên. Sau này, mỗi lần đi công tác về, nhìn thấy vạt sim trên đồi và ngôi nhà mái lá thấp thoáng, lòng đã ấm lại với cảm giác sắp về đến nhà.

Những ngày đầu tiên vào tuyến lửa, việc cần làm ngay là làm nhà hầm. Hầm đào sâu vào lòng đất, mỗi chiều chừng 3 mét, có 2 cửa ra vào về hai phía, một cửa liền với nhà, một thẳng ra phía đồi. Hầu hết thời gian sau này chúng tôi đều ngủ trong nhà hầm đó. Người trải chiếu, người mắc võng. Tráng phim, in ảnh cũng ở đó. Phía dưới vạt đồi, có một cái giếng được đào từ trước để lấy nước sinh hoạt hằng ngày.

***

Chúng tôi đón Tết Nhâm Tý 1972 một cách đơn sơ nhưng ấm cúng. Nơi tuyến lửa cũng có rượu chanh, mứt Tết, trà Hồng Đào, thịt hộp... Nỗi nhớ nhà, nhớ Hà Nội quay quắt trong tôi. Đêm giao thừa ầm ì tiếng súng, không khí trực chiến căng thẳng. Tôi ra sườn đồi sim đứng nhìn về phía bắc và nhớ về những người thân yêu của mình. Nhớ gương mặt trầm tư của bố ngày lên đường. Nhớ hình ảnh mẹ giao thừa năm nào cũng thắp hương cúng tổ tiên trên mảnh sân trước nhà với một ngọn đèn dầu nhỏ đặt bên bể nước... Ngày trở về còn xa và những gian nan thử thách đang chờ tôi ở phía trước.

Các em bé sinh ra dưới địa đạo Vĩnh Mốc (Vĩnh Linh, Quảng Trị) trong chiến tranh. Ảnh: Trần Mai Hưởng - TTXVN

Sau chuyến xuất hành đầu năm thăm cầu Hiền Lương, mấy hôm sau tôi cùng Trưởng Phân xã Phạm Hoạt về Vĩnh Chấp, Cửa Tùng. Lần đầu tiên tôi đến chỗ ấy, một cửa sông nhỏ lẽ ra rất hiền hòa, do sự sắp đặt của lịch sử mà trở thành nơi đất nước chia đôi. Những đồi cát nhỏ trắng dịu, hàng phi lao xanh thẫm, nước biển xanh trong... Không khí chiến tranh vẫn hằn rõ với những chiến hào xẻ sâu vào lòng đất, những nhà hầm, địa đạo chìm nổi và máy bay do thám lơ lửng trên không suốt đêm ngày, để hễ có một dấu hiệu nào của sự sống là ngay lập tức pháo từ biển, từ các căn cứ bên kia giới tuyến sẽ chụp xuống.

Chúng tôi thăm địa đạo, xuống các ngách hầm sâu, nơi trú ngụ cho sự sống kiên cường trên mảnh đất này. Điều làm tôi bất ngờ là cuộc sống trong các làng hầm vẫn rất gọn gàng, ngăn nắp, có cả nơi hội họp, có giếng nước, có trạm cứu thương, có những đứa trẻ được sinh ra ngay trong những căn hầm này...

Bài thơ đầu tiên tôi viết ở tuyến lửa, bài Giếng nước dưới địa đạo, đăng trên báo Văn nghệ ít ngày sau đó. Sau này, trong một lần hành quân, tình cờ tôi được nghe nghệ sĩ Trần Thị Tuyết ngâm bài thơ đó trong buổi Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Một kỷ niệm đẹp về chuyến đi về Cửa Tùng lần ấy.

Sau một thời gian nắm tình hình, chúng tôi có chuyến công tác đầu tiên sang bên kia giới tuyến. Chuyến đi có các anh Phạm Hoạt, Xuân Lâm, Phạm Tài Nguyên và tôi. Chúng tôi đến bến đò dã chiến, cách cầu Hiền Lương không xa, vào cuối buổi chiều.

Dù đã chuẩn bị truớc, nhưng chuyến qua sông giới tuyến đầu tiên ấy vẫn để lại ấn tượng rất đặc biệt. O du kích mũ tai bèo, chiếc khăn dù quàng ngang vai cùng con đò như hiện ra từ trong cổ tích. Mặt sông loáng ánh chiều tà, in hình cây cầu Hiền Lương xiêu vẹo, chơ vơ giữa dòng. Trong lòng cây cầu ấy có một vết sơn trắng hằn ngang. Đấy là ranh giới mỏng manh phân chia hai miền đất nước mà để xóa đi lằn ranh ấy, máu hàng triệu người đã đổ.

Lần đầu đặt chân lên bờ nam khi đò cập bến, một cảm giác mừng vui, xen lẫn hồi hộp, lạ lẫm. Lần đầu tiên tôi chạm tới miền Nam của đất nước, miền Nam trong khói lửa, chia cắt đến với tôi qua những bài học đầu tiên thuở cắp sách đến trường, một miền Nam trước đó rất xa xôi đã trở nên gần gũi và hiện thực.

Chúng tôi hành quân về Trung Hải, cách giới tuyến không xa. Đội hình theo hàng một, cách nhau khoảng 5 đến 7 mét, súng trong tay, đạn lên nòng. Hành trang tuy gọn nhẹ nhưng ba lô, bi đông nước, súng ngắn, máy ảnh, quần áo, tăng võng, lương khô... cũng làm cho mọi thứ lỉnh kỉnh với những người mới ra trận lần đầu. Chúng tôi đến căn cứ tiền tiêu của Huyện ủy Gio Linh bám trụ ở khu vực này. Những căn hầm chìm sâu vào lòng cát, ẩn dưới những vạt cây xanh còn sót lại, cách Dốc Miếu không xa.

Ngày hôm sau, chúng tôi gặp anh Ba Trần (Phan Chung), Bí thư Huyện ủy Gio Linh. Những thông tin do anh cung cấp rất kịp thời, rất cần cho công việc của chúng tôi trên địa bàn mới, vào thời điểm quan trọng này. Anh Ba Trần bố trí cho chúng tôi làm việc với cơ quan dân vận, gặp các nhân chứng đang sống trong khu tập trung Quán Ngang nằm trên khoảng giữa đường từ Dốc Miếu đến Đông Hà.

Cùng với khu tập trung Cửa Việt, đây là một khu tập trung rất đông dân trên vành đai, một mục tiêu quan trọng của chiến dịch nhằm thực hiện kế hoạch nổi dậy khi có thời cơ. Cuộc sống của bà con trong khu Quán Ngang rất cơ cực. Trên nền cát trắng, hàng trăm mái tôn chen chúc, xung quanh dây kẽm gai quây kín, bốt gác lính ngụy nối nhau, giam hãm mấy ngàn con người. Những tài liệu có được sau đó đã giúp tôi viết bài đầu tiên trên đất Quảng Trị với tiêu đề Lá thư từ một khu tập trung. Lúc nghe qua làn sóng điện Đài Tiếng nói Việt Nam bài này, một cảm giác khó tả tràn ngập. Tôi đã có sản phẩm đầu tiên góp vào cuộc đấu tranh chung với danh xưng cao quý: Phóng viên Thông tấn xã Giải Phóng!

Sau đó, chúng tôi đi thực tế về nơi dừng chân của đội du kích xã Gio Mỹ. Khu căn cứ này nằm ở khoảng giữa đồi 31 và sông Hiền Lương, trên một triền cát trắng có những hàng phi lao còn sót lại qua đạn bom. Những căn hầm chìm sâu trong cát. Cuộc sống của những người du kích, ngay trong tầm pháo của kẻ địch, vẫn căng tràn sức sống bởi hầu hết đều ở tuổi trong ngoài đôi mươi. Họ bám trụ trên vành đai làm nhiệm vụ bám dân, giữ đất, theo dõi các động tĩnh của kẻ địch để trợ giúp cho bộ đội chủ lực sau này.

Tôi vẫn nhớ buổi đi thăm anh chị em trong đội, với sự giúp đỡ của Bí thư xã Mai Tiến Đồng và Xã đội trưởng Nguyễn Văn Em. Các nhà báo trẻ và những người du kích trẻ rất dễ gần, chuyện trò, đùa như pháo rang. Chúng tôi tìm hiểu cuộc sống của họ và chụp ảnh cuộc sống sinh hoạt ở đây: Cảnh luyện tập, sẵn sàng chiến đấu, tăng gia sản xuất, sinh hoạt tập thể...

Trong số những cô gái vùng cát đen giòn, mạnh mẽ, tôi để ý đến một cô gái mà vẻ ngoài rất khác với số đông. Đó là Thu Hồng, đội viên kiêm giáo viên văn hóa của đội. Đó là một cô gái trắng trẻo, xinh đẹp với gương mặt bầu bĩnh, nét cười tươi, giọng nói nhẹ nhàng. Chúng tôi chụp ảnh cô trên bãi luyện tập cùng đồng đội, rồi lại gặp cô trong hầm khi đang dạy văn hóa cho anh chị em. Khi hỏi chuyện, chúng tôi mới biết cô vừa gia nhập đội du kích được mấy tháng nay. Cô là con của một cán bộ cao cấp, được gửi ra Bắc học nhưng đang học phổ thông cô đã tình nguyện xin về quê hương chiến đấu.

Sau chuyến đi ấy, những bức ảnh về du kích xã Gio Mỹ của anh em trong đoàn được nhiều báo ở Hà Nội dùng. Riêng ảnh tôi chụp Thu Hồng đang ngắm bắn, gương mặt xinh đẹp sáng lên trong nắng và rất duyên dáng dưới vành mũ tai bèo được báo Quân đội Nhân dân dùng rất trang trọng. Đây cũng là bức ảnh đăng báo đầu tiên trong đời cầm máy của tôi.

Tôi nhớ mãi hình ảnh lúc chia tay, Thu Hồng đứng bên cửa hầm, dưới tán phi lao, ánh mắt nhìn xa xăm. Chúng tôi chúc nhau nhiều điều may mắn, hẹn sẽ gặp lại khi quê hương giải phóng... Cả hai chúng tôi đều cảm nhận rất rõ chiến dịch lớn đang đến gần. Ngày Quảng Trị giải phóng không còn xa nữa.

Khi ấy tôi không thể ngờ rằng đây là lần cuối chúng tôi gặp nhau. Mấy tuần sau, ngay trong đêm đầu tiên nổ súng trên toàn tuyến, Thu Hồng đã anh dũng hy sinh khi cùng đồng đội đánh chiếm căn cứ địch ở Bến Ngự...

***

Sau chuyến đi đó, chúng tôi trở về căn cứ ở Vĩnh Nam. Mọi người đều biết chiến dịch sắp nổ ra, nhưng vì bí mật chiến trường nên không ai biết chính xác thời điểm. Chỉ biết sẵn sàng lên đường khi có lệnh thôi.

Rạng sáng hôm ấy, chúng tôi đang ngủ thì anh Phạm Hoạt vào hầm gọi mọi người dậy.

- Chiến dịch bắt đầu rồi. Ta đã tấn công Cồn Tiến, Dốc Miếu, Cửa Việt... Bà con ở khu tập trung Cửa Việt đã bung ra, một số đã ra đến Cửa Tùng rồi!

Tôi và anh Xuân Lâm được phân công ra Cửa Tùng để gặp bà con. Cần kịp thời có bài viết về sự nổi dậy ở phía đông... Cùng với lái xe Trương Đại Chiến, chúng tôi nhanh chóng đến Vĩnh Chấp. Một số bà con đã vượt sông sang bên này và được người dân Vĩnh Linh đón như những người ruột thịt.

Chúng tôi gặp bà con ngay trên bãi đón tiếp, cách bờ sông không xa. Tiếng súng vẫn rền vang dọc giới tuyến. Pháo biển vẫn bắn và máy bay trinh sát quần đảo trên đầu. Thời gian không có nhiều, bài vở cần gấp, tôi tập trung hỏi sâu vào mấy gia đình. Khi những diễn biến chính đã nắm được, chúng tôi trở về Vĩnh Nam ngay. Tôi đặt bút viết bài Lòng dân Cửa Việt để tối hôm đó phát về Hà Nội. Trong bài viết ngắn đó, tôi cố gắng nói lên sự khao khát, mong chờ giải phóng của nhân dân Cửa Việt và đồng bào trong các khu tập trung nói riêng, cùng với khí thế tiến công như vũ bão của quân giải phóng. Lòng dân Cửa Việt là một bài viết kịp thời và được cho là sinh động ngay ngày đầu chiến dịch. Nhiều báo đăng và Đài Tiếng nói Việt Nam đọc nhiều lần.

Chiến dịch đã nổ ra. Bầu trời giới tuyến suốt ngày ầm ì tiếng súng. Pháo biển từ các hạm tàu Mỹ tiến sát vào để chi viện cho quân ngụy Sài Gòn bắn suốt ngày đêm. B52 xuất hiện cả ban ngày, đi thành từng tốp từ 3 đến 6 chiếc. Pháo của đối phương từ phía bên kia cũng thường xuyên bắn sang. Sau đợt đầu, chúng ta đã giải phóng miền tây Hướng Hóa, Cồn Tiên, Dốc Miếu, đang bao vây Đông Hà, Quảng Trị. Tình hình rất khẩn trương.

Từ thời điểm ấy, chúng tôi liên tục có chuyến đi về các địa bàn chính: Qua Gio Linh, vào Cam Lộ giải phóng. Theo các chiến sĩ Trung đoàn Triệu Hải trong chiến dịch giải phóng thị xã Quảng Trị và là những nhà báo đầu tiên có mặt ở đây. Về Triệu Phong, Hải Lăng trong những ngày đầu người dân giành quyền làm chủ, xây dựng chính quyền cách mạng cũng như thời kỳ chống phản kích ác liệt sau này. Đi và viết về cuộc sống trên Vành đai điện tử...

Không thể kể hết những ác liệt đã trải qua suốt “mùa hè đỏ lửa”: Những trận pháo bầy, B52 rải thảm; những chuyến đi qua những vùng dày đặc bom mìn; những khoảnh khắc cái chết cận kề gang tấc; cả khi một mình bơi qua sông Hiền Lương về căn cứ để kịp phát bài, gửi ảnh về Hà Nội... Nhưng chúng tôi ngày một trở nên dày dạn và thích nghi với hoàn cảnh, vượt lên mọi gian nguy để làm tròn nhiệm vụ của người phóng viên thông tấn.

***

Một trong những chuyến đi tôi không bao giờ quên trong những ngày ở Quảng Trị là chuyến đi viết về Bích La Đông (xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong), quê hương Tổng Bí thư Lê Duẩn. Sau sự kiện Quảng Trị giải phóng, cần có người về Bích La Đông để viết phản ánh về cuộc sống của người dân ở đây những ngày đầu thành lập chính quyền cách mạng. Thế là tôi lại một mình vác ba lô trở lại Triệu Thành, tìm về Bích La Đông. Những ngày đầu giải phóng thật là vui. Đâu cũng như một ngày hội lớn. Bà con tụ họp, gặp gỡ, thanh, thiếu niên ca hát, cờ giải phóng nửa đỏ nửa xanh tung bay khắp các ngả đường...

Buổi sáng ra mắt chính quyền ở Bích La xong, tôi lên đường ra Vĩnh Linh ngay. Một cuộc chia tay nhiều lưu luyến với cán bộ và nhân dân Bích La. Tôi theo đường giao liên về Triệu Trạch. Tình cờ gặp đoàn công tác của Cục Tuyên huấn Mặt trận B5 do anh Cao Bá Đồng dẫn đầu cũng đang nghỉ chân ở Triệu Trạch. Trong đoàn của Cục Tuyên huấn có anh Vũ Tín, phóng viên ảnh của Thông tấn xã biệt phái vào Mặt trận B5. Ở Hà Nội, tôi chỉ biết anh Vũ Tín là một phóng viên giàu kinh nghiệm, tác giả bức ảnh bốn nhà lãnh đạo đứng túc trực bên linh cữu Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều tác phẩm nổi tiếng khác. Anh em gặp nhau tay bắt mặt mừng...

Tôi không ngờ đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối tôi gặp anh Cao Bá Đồng. Chỉ ít ngày sau, chúng tôi bàng hoàng nghe tin anh hy sinh. Khi chúng tôi ra trạm trung chuyển ở Cửa Tùng để đón anh Vũ Tín, anh đã bị thương nặng, cụt một chân. Các anh bị bom tọa độ đúng ngôi nhà ở Triệu Độ mà tôi từng nghỉ lại. Tôi vẫn còn nhớ buổi đến thăm đó. Anh Vũ Tín ôm lấy anh Minh Trường, người bạn đồng nghiệp rất gần gũi với anh mà khóc òa lên... Đối với một phóng viên ảnh, bị mất một chân, cuộc đời cầm máy sẽ khó khăn biết chừng nào!

Chiều tối hôm ấy, tôi theo giao liên về Cửa Việt. Tối muộn mới tới bến sông. Trong khi chờ đò từ bên kia sang, tôi giở gói lương khô vẫn để dành trong ba lô ra ăn. Cửa sông lộng gió. Tiếng súng vẫn nổ đâu đó. Pháo biển tăng tốc bắn vào khu vực cửa sông. Bên kia mặt nước ánh bạc chập chờn pháo sáng...

Tối muộn đò mới sang. Cô du kích trẻ trung với mũ vải mềm, khăn dù, lái xuồng rất điệu nghệ đưa tôi về khu căn cứ của đội du kích. Tôi được ăn cơm, ngủ một giấc như chết, chả biết gì đến trận pháo bắn suốt đêm. Buổi sáng thức dậy, sau khi làm một bữa no, tôi chia tay đội du kích Cửa Việt. Một mình một ba lô, súng trên vai, máy ảnh trước ngực, tôi cứ theo mép biển mà đi. Đấy cũng là con đường ngắn nhất để về Cửa Tùng.

Buổi sáng ấy thật đẹp, nắng chan hòa trên những cồn cát, gió reo trên những hàng phi lao còn nham nhở vết bom đạn. Phía bên trái là đồi 31, xa nữa là Dốc Miếu... Việc đi về phía Bắc cũng cho một cảm giác gần gũi. Đến gần trưa, những đồi cát Cửa Tùng đã ở trước mặt. Tôi gặp một đơn vị cao xạ đóng quân ở đó, toàn lính Bắc, rất vui vẻ. Khi biết tôi là nhà báo ở phía trong vừa ra, anh em quây lấy hỏi thăm, đãi tôi một bát to cháo đậu xanh với đường. Có lẽ chưa bao giờ trong đời tôi được ăn một bát cháo ngon như vậy!

Chiều đó, tôi theo đò ngang Cửa Tùng rồi mải mốt đi bộ về Vĩnh Nam. Từ xa, khi nhìn thấy quả đồi và con đường đất đỏ băng qua đồi sim, thấy mừng ơi là mừng. Tôi được trở về ngôi nhà với anh em Phân xã thân thiết như gia đình của mình. Ngay tối hôm đó, sau khi báo cáo công tác, tôi tranh thủ cùng mọi người tráng phim, chọn ảnh gửi ra Hà Nội.

Sáng hôm sau, tôi cặm cụi viết bài Bích La Đông giải phóng với những tình cảm còn vẹn nguyên về một làng quê đang xây dựng chính quyền cách mạng. Bài viết đó sau khi Thông tấn xã phát, nhiều báo đăng lại, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đọc rất nhiều lần. Một số báo cũng đăng những bức ảnh về Bích La Đông, về Quảng Trị giải phóng của tôi. Đó là một niềm vui, nguồn động viên lớn đối với tôi.

_----------------

(*) Tít do Hà Nội Ngày nay đặt.