Vì sự lành mạnh của thị trường

Kinh tế - Ngày đăng : 06:17, 21/06/2020

(HNM) - Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã tập trung “đánh mạnh” nạn hàng giả, hàng nhái kinh doanh trên môi trường mạng internet, từng bước tạo sự lành mạnh cho thị trường nói chung, môi trường kinh doanh online nói riêng. Tuy nhiên, để ngăn chặn tận gốc gian lận thương mại trên môi trường mạng rất cần sự phối hợp từ nhiều phía cũng như những giải pháp đồng bộ hơn nữa.

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh giày dép ở ngõ 82 Trần Cung (quận Cầu Giấy), phát hiện hàng nghìn sản phẩm giả nhãn hiệu Adidas, Nike.

Gia tăng gian lận thương mại

Sau khi dịch Covid-19 được ngăn chặn, nền kinh tế nước ta trở lại trạng thái bình thường mới, thương mại điện tử có cơ hội “tăng tốc” như một phương thức kinh doanh văn minh và tiện lợi. Song đây cũng là “mảnh đất màu mỡ” để các hành vi gian lận nảy nở. Hàng loạt vụ việc được lực lượng chức năng xử lý mới đây cho thấy các vi phạm trên môi trường kinh doanh online ngày càng phức tạp.

Đơn cử như ngày 16-6 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp cùng Tổ công tác về thương mại điện tử (Tổ 368 - Bộ Công Thương) kiểm tra và thu giữ 10.987 sản phẩm là quần áo, mỹ phẩm... có dấu hiệu nhập lậu và giả mạo nhãn hiệu tại huyện Thanh Oai. Cơ sở này hoạt động ẩn sâu trong khu dân cư và chỉ sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook có tên “Tổng kho Huyền Trang” để giao dịch.

Trước đó, ngày 8-6, Đội Quản lý thị trường số 1 cũng phối hợp cùng Tổ 368 kiểm tra cơ sở kinh doanh giày dép tại ngõ 82 Trần Cung, quận Cầu Giấy, phát hiện chủ cơ sở sử dụng tài khoản mạng xã hội Zalo có tên “Giày” để kinh doanh nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Cơ sở này bán trên tài khoản Zalo các mẫu giày nhái những thương hiệu lớn chỉ với giá vài trăm nghìn đồng/đôi.

Nói về thủ đoạn kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 Hoàng Đại Nghĩa cho biết, các đối tượng thiết lập tài khoản trên Facebook, Zalo… tạo sự tương tác rồi sử dụng hình thức phát trực tiếp (livestream) để bán hàng. Phương thức kinh doanh này dễ dàng “qua mắt” cơ quan chức năng bởi thực hiện trên không gian mạng, có thể ẩn giấu hay xóa dấu vết.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, đến cuối tháng 5-2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý trên 23.935 vụ vi phạm gian lận thương mại; trong đó có nhiều vụ kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên môi trường mạng hoặc sàn thương mại điện tử.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh nhận định, tình trạng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái như: Quần áo, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm… diễn biến phức tạp sau khi cả nước kết thúc giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19. Không riêng Hà Nội, lực lượng chức năng cũng đã thu giữ hàng nghìn sản phẩm giả, nhái thương hiệu nổi tiếng tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…

Đầu tháng 6-2020, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, thu giữ gần 4.700 sản phẩm hàng giả, nhái, nhập lậu tại chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm).

Ngăn chặn tận gốc

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, đặc biệt trên không gian mạng, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 3304/QĐ-BCT và Quyết định 2981/QĐ-BCT về tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến hết năm 2020.

Thực hiện nhiệm vụ trên, Tổng cục Quản lý thị trường đã thành lập Tổ 368 phối hợp với các địa phương để kịp thời đấu tranh ngăn chặn gian lận thương mại nói chung và trên môi trường mạng nói riêng. Thực tế đấu tranh chống gian lận thương mại, nhất là trên môi trường mạng rất cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, sự chia sẻ thông tin giữa các cơ quan. Và việc ra đời Tổ 368 đã mang lại hiệu quả nhất định, một số đường dây buôn lậu lớn liên tỉnh đã bị triệt phá là minh chứng.

Ông Trần Hữu Linh thông tin, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, bán hàng online. “Bên cạnh việc chủ động nắm địa bàn, nhận diện vi phạm mới, chúng tôi sẽ đưa vào hoạt động hệ thống phần mềm phân biệt hàng thật, hàng giả…”, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Còn theo ông Hoàng Đại Nghĩa, cùng với lực lượng chức năng, doanh nghiệp nên chủ động phát hiện hàng giả, nhái thương hiệu và cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần ý thức không tiêu thụ hàng giả, hàng nhái. Cùng quan điểm, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại giấy Minh Châu Nguyễn Thúy Diệp cho rằng, việc còn có đơn vị thờ ơ với chính sản phẩm của mình bị làm giả hay người tiêu dùng vẫn chấp nhận mua hàng giả là hành vi tiếp tay cho gian lận thương mại.

Được biết, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) cũng liên tiếp có văn bản chỉ đạo lực lượng công an, hải quan, quản lý thị trường mở các chuyên án triệt phá đường dây, tổ chức buôn lậu, làm hàng giả và kinh doanh hàng giả trên môi trường thương mại điện tử... Sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, sự đồng hành của doanh nghiệp, người tiêu dùng chính là giải pháp xử lý tận gốc nạn hàng giả, hàng nhái.

Thư Hà