Tổng Giám đốc WHO cảnh báo dịch Covid-19 vẫn đang lây lan

Thế giới - Ngày đăng : 06:28, 23/06/2020

(HNMO) - Trong hội nghị cấp cao trực tuyến ngày 22-6, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố, dịch Covid-19 vẫn đang lây lan và tác động của nó sẽ còn tồn tại trong vài thập kỷ nữa.

Theo ông Ghebreyesus, đại dịch Covid-19 không chỉ là cuộc khủng hoảng y tế, mà còn là cuộc khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng xã hội và ở nhiều nước là cuộc khủng hoảng chính trị.

Australia đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 lần thứ hai.

Theo thống kê, tính đến 6h ngày 23-6, trên thế giới có 9.170.261 ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 473.266 người tử vong.

Châu Mỹ

Mỹ tiếp tục là tâm dịch của thế giới với 2.385.670 ca mắc và 122.592 ca tử vong. Hơn 20 bang của nước này đã chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng cao trở lại trong bối cảnh tâm dịch đã dịch chuyển từ New York và khu vực Đông Bắc về phía Tây Nam. Tình hình dịch diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tới tâm lý của người dân. Kết quả cuộc khảo sát của ABC News/Ipsos công bố ngày 22-6 cho thấy, gần 60% số người được hỏi không đồng tình với cách ứng phó của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với đại dịch.

Ngày 22-6, đúng 3 tháng kể từ ngày thành phố New York phải áp dụng lệnh phong tỏa, hàng nghìn văn phòng, cơ quan ở đây đã mở cửa, đón người trở lại làm việc khi thành phố chính thức bước vào giai đoạn 2 trong lộ trình mở lại hoạt động. Tuy nhiên, số người được phép trở lại làm việc tại công sở, khoảng 300.000 người, ít hơn nhiều so với số người đi làm vào thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, bởi các công ty phải tuân thủ quy định giãn cách xã hội.

Cùng ngày, Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định, Chính phủ liên bang Canada “sẽ rất cẩn trọng” trong việc mở cửa trở lại biên giới đối với hoạt động đi lại quốc tế và du lịch nhằm đảm bảo “đầu tiên và trước hết là người dân Canada được an toàn”.

Hiện, bệnh dịch cũng đang tăng tốc độ lây lan ở khu vực Mỹ Latinh, với Mexico, Peru và Chile là những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Mexico đã ghi nhận 170.000 ca mắc và hơn 20.000 trường hợp tử vong. Trong khi đó, con số tử vong ở Peru đã vượt quá 8.000 người trong bối cảnh nước này mở lại các trung tâm thương mại trong ngày 22-6 sau 99 ngày phong tỏa. Peru hiện là quốc gia có số ca mắc và tử vong cao thứ hai tại Mỹ Latinh, sau Brazil.

Châu Âu

Theo Văn phòng Thủ tướng Pháp, dịch Covid-19 đang lây lan nhanh hơn trong vòng 10 ngày qua tại Guyana, vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp, và chính phủ không loại trừ khả năng áp đặt lệnh phong tỏa mới tại đây. Pháp đã từng bước nới lỏng lệnh này trên toàn quốc từ ngày 11-5 và bước vào giai đoạn mới dỡ bỏ phong tỏa kể từ ngày 22-6. Theo đó, các rạp chiếu phim, sòng bài mở cửa trở lại. Các sự kiện thể thao thu hút không quá 5.000 người tham dự sẽ được phép tổ chức.

Châu Á - Thái Bình Dương 

Bộ Y tế Ấn Độ ngày 22-6 thông báo, nước này ghi nhận số ca mắc Covid-19 trong một ngày cao nhất từ trước tới nay, với 15.000 ca mới trong 24 giờ qua. Tổng số ca mắc tại nước Nam Á này tăng lên hơn 425.000, chỉ xếp sau Mỹ, Brazil và Nga.

Trong khi đó, cùng ngày, chính quyền thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc thông báo đã triển khai chiến dịch tìm kiếm và xét nghiệm quy mô lớn tại các công trường của Bắc Kinh sau khi phát hiện 3 ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 tại 2 công trường của thành phố.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) xác nhận, nước này đã rơi vào làn sóng dịch Covid-19 thứ hai và kêu gọi nâng cao cảnh giác đối với nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. KCDC cho biết, ngày 22-6, Hàn Quốc ghi nhận thêm 17 ca, gồm 11 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số ca nhiễm lên 12.438 người. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có khả năng tái bùng phát trên quy mô rộng, cơ quan chức năng Hàn Quốc đã kiến nghị chính phủ bổ sung 4 loại hình cơ sở kinh doanh có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao kể từ ngày hôm nay (23-6).

Tại Đông Nam Á, Thái Lan đánh dấu ngày thứ 28 liên tiếp không ghi nhận thêm trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, người phát ngôn Trung tâm Xử lý tình hình Covid-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan Taweesilp Visanuyothin nhấn mạnh, Thái Lan không thể hạ thấp cảnh giác vì chỉ một ca mắc nhập cảnh cũng có thể làm bùng nổ dịch bệnh ở trong nước.

Các quốc gia Đông Nam Á khác là Indonesia, Philippines và Malaysia tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Trong khi đó, Australia đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 lần thứ hai, sau khi bang Victoria, tiểu bang đông dân thứ hai của nước này ghi nhận 116 ca bệnh mới chỉ trong vòng một tuần qua. Sáng 22-6, Bộ trưởng Y tế bang Victoria Jenny Mikakos tuyên bố gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn bang này thêm 4 tuần, đến ngày 19-7. Hiện mới chỉ có 3 trong 7 tiểu bang của Australia mở cửa ranh giới đi lại trong nước. Các tiểu bang khác có kế hoạch mở cửa trở lại trong thời gian tới. Tuy nhiên, sự gia tăng đột biến các ca mắc mới tại bang Victoria khiến chính quyền các tiểu bang còn lại phải cân nhắc trước khi đưa ra quyết định.

Chính quyền New Zealand ngày 22-6 đã gia hạn lệnh cấm các tàu du lịch tới nước này và siết chặt hơn các điều kiện cho phép du khách rời khỏi khu cách ly sau khi nước này ghi nhận các ca mắc Covid-19 mới liên quan tới khách du lịch nước ngoài.

Kim Phượng