Sử dụng điều hòa đúng cách những ngày “đỉnh” nhiệt
Xã hội - Ngày đăng : 08:20, 24/06/2020
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, 2 ngày trở lại đây, tại Hà Nội, nắng nóng khá gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 38 đến 40 độ C. Nhiệt độ thực đo vào 13h ngày 21-5 tại nhiều nơi như Hà Đông, Ba Vì, Sơn Tây, Hoài Đức... đều từ 38,78 đến 39,3 độ C.
PGS.TS Nguyễn Việt Dũng, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Nhiệt - Lạnh, Đại học Bách khoa Hà Nội phân tích, trời nắng nóng, nhiệt độ tăng cao như vậy sẽ khiến mức độ tiêu thụ điện của điều hòa tăng tương ứng. Cụ thể, khi nhiệt độ ngoài trời tăng 1 độ C thì tiêu thụ điện của điều hòa tăng 2 - 3%. Việc cài đặt nhiệt độ hợp lý cho điều hòa có vai trò rất quan trọng, vừa giúp người sử dụng bảo đảm sức khỏe, vừa hạn chế mức tiêu thụ điện năng.
“Vậy nhiệt độ của điều hòa trong phòng nên để bao nhiêu là phù hợp?” - Trả lời cho câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Việt Dũng đưa ra “công thức” cho các gia đình là nên lấy nhiệt độ ngoài trời trừ đi từ 10-12 độ để đặt cho nhiệt độ điều hòa trong nhà.
Cụ thể hơn, vào những ngày nắng nóng trên 35 độ C thì vào ban ngày, nhiệt độ điều hòa nên duy trì ở mức từ 26-28 độ C và thấp hơn 1 độ ( từ 25-27 độ) vào ban đêm.
“Các gia đình không nên hạ thấp hơn mức nhiệt độ này để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Nhiều người thường có tâm lý đi từ bên ngoài nắng nóng vào nhà thường muốn hưởng mát nhanh nên hạ nhiệt độ điều hòa xuống sâu. Mức nhiệt độ này sẽ ảnh hưởng đặc biệt đến sức khỏe người già, trẻ nhỏ, người có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp…
Ngoài ra, việc hạ nhiệt độ điều hòa cũng là một trong những nguyên nhân khiến hóa đơn tiền điện tăng vì nếu nhiệt độ của điều hòa trong phòng hạ xuống 1 độ thì mức tiêu thụ điện năng của thiết bị này cũng dao động tăng từ 1-3%”, PGS.TS Nguyễn Việt Dũng khuyến cáo.
Ngoài sử dụng điều hòa trong phòng, các gia đình nên kết hợp với các loại quạt gió (quạt trần, quạt cây…) giúp tăng tốc độ lưu chuyển không khí, tổng hòa nhiệt độ, tốc độ gió và độ ẩm trong phòng. Ba yếu tố này nếu được duy trì ở mức hợp lý sẽ giúp tiết kiệm điện năng tiêu thụ từ điều hòa.
Riêng về ban đêm, PGS.TS Nguyễn Việt Dũng khuyến cáo các gia đình, nếu sử dụng các loại điều hòa hiện đại, thì nên dùng chế độ “sleep mode” (chế độ ngủ) bởi cứ sau 2 giờ, điều hòa tự động tăng thêm 1-2 độ. Đến khi nhiệt độ trong phòng đạt 28 độ thì máy sẽ dừng và duy trì ở mức này.
“Trước lúc đi ngủ, nhiệt độ điều hòa có thể để ở 25 độ, sau đó máy sẽ tự nhích dần nhiệt độ lên đến sáng là hợp lý, vừa giúp tiết kiệm điện năng, vừa bảo đảm sức khỏe cho người sử dụng”, PGS.TS Nguyễn Việt Dũng nêu.
Để tiết kiệm điện năng trong sử dụng điều hòa, theo các chuyên gia, yếu tố ngoài nhà cũng cần phải lưu ý. Đó là cục nóng của điều hòa không nên được để ở nơi có nắng chiếu trực tiếp, thiết kế có mái che và dàn nóng phải được bảo dưỡng, làm vệ sinh sạch sẽ mỗi mùa máy chạy.
Với lưới lọc của thiết bị trong nhà, nên định kỳ 2 tháng rửa một lần, đặc biệt với những khu vực không khí ô nhiễm, nhiều bụi bẩn. Việc làm vệ sinh định kỳ các lưới lọc sẽ giúp tăng khả năng trao đổi và lưu chuyển không khí, hạn chế lãng phí điện năng.
Nhiều gia đình sử dụng các loại điều hòa cũ, khi vào hè thường có thói quen gọi thợ đến nạp thêm gas. Theo PGS. TS Nguyễn Việt Dũng, về mặt kỹ thuật, việc làm này là hợp lý vì thông thường điều hòa dùng lâu, việc lắp đặt không thật chuẩn theo quy chuẩn yêu cầu của nhà sản xuất sẽ dẫn đến rò rỉ gas lạnh. Khi trời nắng nóng, nhu cầu làm mát tăng cao càng đòi hỏi lượng gas phải đủ. Do đó, nếu thiếu gas thì việc nạp thêm là cần thiết.
“Tuy nhiên, các gia đình cũng cần lưu ý, nhiều trường hợp thiết bị điều hòa không mát là do dàn nóng, dàn lạnh bẩn, lâu không được bảo trì, bảo dưỡng, rửa sạch lưới lọc chứ không phải vì thiếu gas. Do đó, người sử dụng nên tự làm những việc đơn giản như vệ sinh lưới lọc trước khi cần can thiệp thêm bằng các biện pháp kỹ thuật”, PGS.TS Nguyễn Việt Dũng đưa ra lời khuyên.